Đẩy mạnh truyền thông phòng-chống sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng phức tạp, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phù hợp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng ngừa.
Tính đến ngày 21-8, toàn tỉnh đã ghi nhận 3.638 ca mắc SXH Dengue, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Ia Grai (393 ca), Krông Pa (303 ca), Đak Pơ (416 ca), Chư Pưh (358 ca), Chư Prông (346 ca), Mang Yang (103 ca), TP. Pleiku (362 ca)… Từ đầu năm đến nay, có 636/657 ổ dịch được xử lý, trong đó có 298 ổ dịch được vệ sinh môi trường nhưng không phun hóa chất; 338 ổ dịch được phun hóa chất; 473 ổ dịch đã được khống chế.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Ngọc Gia, nhiều địa phương đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm gia tăng số ca mắc SXH theo chu kỳ hàng năm. Riêng tháng 7-2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.288 ca mắc SXH. Dự báo số ca mắc trong cả năm sẽ tăng cao gấp 3-4 lần so với các năm không có dịch, đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 8 và tháng 9.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ia Grai khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Hà Phương
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ia Grai khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Hà Phương
Nhằm kịp thời khống chế, không để dịch SXH bùng phát, lan rộng, ngành Y tế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang), từ tháng 5-2022, UBND thị trấn đã phát động toàn dân ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi. Đồng thời, phân công các đoàn thể cùng Trạm Y tế phối hợp với tổ dân phố, Ban Nhân dân thôn tổ chức phun thuốc tại các ổ dịch, phát tờ rơi; đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động thực hiện phòng-chống dịch SXH.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân thị trấn đã có ý thức hơn trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Chị La Thị Phụng (tổ 4) cho hay: “Sốt xuất huyết là bệnh dịch rất nguy hiểm nên gia đình tôi đã chủ động phòng tránh bằng cách thường xuyên diệt muỗi, ngủ màn, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, dẹp những vật dụng chứa nước không cần thiết nhằm diệt lăng quăng/bọ gậy”.
Tính đến ngày 21-8, huyện Ia Grai ghi nhận 393 ca mắc SXH, tập trung nhiều nhất ở xã Ia Krai và thị trấn Ia Kha. Ông Ngân Văn Thư-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: “Ngành Y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với dịch SXH và khống chế không để dịch lây lan. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn triển khai các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng-chống dịch SXH; tổ chức các lớp tập huấn về phác đồ điều trị SXH Dengue cho cán bộ y tế; thực hiện phương châm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả ca bệnh, giảm tỷ lệ ca bệnh nặng. Chúng tôi cũng lồng ghép công tác truyền thông phòng-chống dịch tại cơ sở y tế để nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân. Hiện 9 ca mắc SXH Dengue đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện sức khỏe đều ổn định”.
Tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng-chống sốt xuất huyết. Ảnh: Hà Phương
Tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng-chống sốt xuất huyết. Ảnh: Hà Phương
Đến ngày 23-8, xã Ia Krai ghi nhận 168 ca mắc SXH, chủ yếu tại làng Dọch Ia Krót và thôn 3. Bác sĩ Lê Văn Khoa-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Krai-thông tin: “Khi ghi nhận ổ dịch, Trạm đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi, phối hợp với Ban Nhân dân thôn, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch SXH xã vệ sinh môi trường, xử lý các vật dụng chứa nước, diệt lăng quăng/bọ gậy. Ngoài ra, Trạm cũng phối hợp với cán bộ văn hóa xã phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng-chống dịch cho người dân”.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Gia, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch và đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, không để dịch bùng phát. Trong đó, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, loại bỏ các vật dụng, nơi sinh sản của muỗi, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. “Đặc biệt, những gia đình có trẻ nhỏ cần theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh SXH để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, hạn chế xảy ra trường hợp bệnh nặng”-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo.
HÀ PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

(GLO)- Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi y đức để từng bước nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.
Bão mặt trời có gây hại sức khỏe?

Bão mặt trời có gây hại sức khỏe?

Theo các chuyên gia, bão mặt trời thông thường không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra với cường độ cao, nó có thể gây ra một số vấn đề về nhịp tim, chức năng nhận thức, tăng huyết áp...
Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

(GLO)- Theo SGGPO, toàn thế giới ước tính hiện có khoảng 19,9 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, thống kê có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. 3 loại ung thư hàng đầu theo số ca tử vong gồm ung thư gan, phổi, dạ dày.

3 tác động kỳ lạ của việc bỏ bữa sáng

3 tác động kỳ lạ của việc bỏ bữa sáng

Bữa sáng thường được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì giúp cung cấp năng lượng và tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, làm biến động đường huyết mà còn gây ra những tác động kỳ lạ với sức khỏe.