Hương Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những tiết học sau cùng, chúng tôi tha hồ đánh vật với mùi thơm của xưởng bánh Công ty bánh mứt kẹo Hà Nội.
 

Hương vị bánh trung thu truyền thống luôn đáng nhớ - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Hương vị bánh trung thu truyền thống luôn đáng nhớ - Ảnh: Lưu Quang Phổ


Trường tôi nằm trên phố Nguyễn Chí Thanh. Khu ký túc xá áp lưng vào một xưởng bánh kẹo - nhà phân phối của Công ty bánh mứt kẹo Hà Nội - ở ngõ 91. Năm nhất tôi học ca chiều, những chiều học sáu tiết là tha hồ đánh vật với mùi hương bánh kẹo bên xưởng đưa sang. Đó là mùi thơm của bánh trung thu.

Mùa thu đầu tiên đi học xa, những buổi chiều tan học bụng đói, nhớ nhà, hương bánh thơm nức mũi theo mãi trên từng vòng xe đạp về nhà trọ. Ngửi nhiều đến nỗi phân định được mùi bánh nướng, mùi bánh dẻo, mùi vỏ bánh, mùi nhân bánh, vị thập cẩm, vị trà xanh, đậu xanh, lạp xưởng…

Các cô cậu sinh viên ở quê ra, thấy bên đó bày bán nhiều thứ bánh lạ mắt mình chưa từng thấy bao giờ, ra bưu điện gọi điện về nhà: “Mẹ ơi, Trung thu năm nay mẹ đừng mua bánh ở nhà nữa, để con mua bánh Hà Nội mang về”. Mấy cô nhân viên bưu điện nghe thấy cười tủm tỉm, đúng kiểu “Hà Nội có bánh mì ngon”.

Nhưng than ôi, bánh trung thu không hề rẻ, không phải là thứ quà sinh viên năm nhất đủ tiền mua để “mang Hà Nội về quê”. Cho nên tôi cứ ngửi mãi, ngắm mãi để về kể cho đàn em ở nhà. Đây là bánh cá chép, bánh đàn heo nhé, ồ có cả bánh nhân vi cá, yến sào, gà quay nhé! Cho nên mãi chỉ là “hương Hà Nội” chứ nào có được nếm “vị” đâu.

Không phải là sinh viên ngày đó đói đến mức phải ngửi bánh cầm lòng. Mà là nỗi nhớ nhà làm nao lòng những đứa trẻ đến thủ đô theo học. Từ khi đặt chân đến Hà Nội, thấy cái gì cũng đắt đỏ quá, luôn nghĩ ở nhà phải dành dụm tiền lắm mới cho mình được đi học ở thành phố. Tôi đã có một suy nghĩ ngây ngô như thế này: “Hẳn Trung thu năm nay bố mẹ phải mua bánh ít thôi để dành tiền cho tôi nộp tiền nhà trọ tháng sau”.

Cuộc sống ở quê còn nghèo nàn, lạc hậu nên cứ nghĩ cái gì ở thành phố là thượng hạng lắm. Sau rồi lớn hơn, suy nghĩ toàn diện hơn, tôi mới nhận ra Hà Nội cũng chỉ bình dị như bao nơi khác. Và món bánh trung thu thơm lừng mà tôi từng cho là đắt tiền, thật ra không phải là món gì quá xa xỉ. Đó chỉ là một mùi hương thân quen mang nhiều kỷ niệm như dòng nỗi nhớ từ Hà Nội về tận quê nhà trong mỗi dịp tết đoàn viên.

Sau ra trường, tôi ít khi ra thăm Hà Nội. Thành phố nay đã khác xưa nhiều lắm, các nhãn hiệu bánh trung thu cũng cao cấp hơn nhiều. Không rõ xưởng bánh ngõ 91 trường tôi có còn tỏa hương mỗi chiều át cả mùi hoa sữa? Nhớ một lần tôi chờ xe khách ở bến Giáp Bát, thấy một bác gái nhà tận Xuân Đỉnh, bắt xe buýt ra hẳn Bến xe Giáp Bát mua mấy chục chiếc bánh mì về để “hôm nay cả nhà lớn bé về, bác làm sốt vang ăn với bánh mì”.

Có những mùi hương mãi mãi thuộc về một nơi nào đó, không liên quan đến khoảng cách địa lý, mà là ở trong tim ta. Thủ đô chẳng biết còn đọng lại trong tim tôi bao nhiêu phần mĩ vị, nhưng mùi bánh trung thu năm nào thì chẳng hương vị cao sang nào thay thế được.



 



Theo Nguyễn Thị Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...