Nhớ quê mùa gặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền Trung lúc nắng thì nắng đến cháy da cháy thịt, lúc mưa thì mưa ngập trời ngập đất. Thế mà một đời ông bà, cha mẹ tôi không bỏ đất mà đi, vẫn lam lũ như bụi tre sau nhà.

Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào-Ảnh: Trương Quang Nam
Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào-Ảnh: Trương Quang Nam


Sau này đi xa tôi mới hiểu quê hương quan trọng với tôi đến nhường nào… Có những trưa nằm mơ nơi phố thị, giật mình tỉnh dậy vì cơn mưa bóng mây, ngó quanh chỉ là bốn bức tường, mà cứ ngỡ mình đang nằm ở quê những ngày mùa, và ngoài kia mẹ phơi đầy sân thóc. Dù xa quê đã lâu, nhưng những kỷ niệm của tuổi thơ năm nào vẫn còn ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ…

Thuở còn nhỏ hay ngồi sau xe mẹ ra đồng. Miền Trung nắng rát mưa nhiều… Cho nên chỉ có những buổi sớm tôi mới cảm nhận được vẻ dịu dàng của miền Trung. Có ai đã từng đi trên bờ đê vào mùa gặt mới thấy cơn gió mát đến nhường nào. Cái mát từ dòng sông, cái mát từ hơi sương buổi sớm cuốn theo từng cơn gió làm dịu đi những giọt mồ hôi.

Trên khắp đường thôn ngõ xóm phủ vàng một màu rơm óng ả. Bọn trẻ con đạp xe tới trường phải rướn người lên mới đạp qua những đoạn rơm phơi dày. Thi thoảng lại có đứa dừng lại gỡ, vì rơm đã quấn đầy vào những mắt xích. Đất trời thơm mùi hương lúa mới. Chợt bắt gặp nụ cười của bà bán lòng lợn đạp xe ngang qua mà cũng vui lạ. Sao dung dị và yên bình đến thế! Ta cảm nhận trong tiếng rao ấy là sự hân hoan mùa vụ, là no ấm đủ đầy.

Ngày mùa chỉ sợ nhất là những cơn mưa bóng mây, cứ đến và đi bất chợt. Có những buổi trưa trời đang nắng như đổ lửa bỗng mây ở đâu kéo đến trong chớp mắt. Cả nhà đang ngồi ăn cơm bỗng nháo nhào ra chạy thóc, người cào, người quét, người bê, ai cũng vội vã mong sao cho thóc khỏi ướt. Chỉ chốc lát sau trời quang mây tạnh, làm cho người lớn lại phân vân xem có đem phơi lần nữa không… Cũng có lần cơn giông kéo đến, nó nhanh tới nỗi chưa cào xong mưa rào đã kéo đến, bố vội vàng cầm những nắm rơm chặn lại nơi góc sân để giữ cho những hạt thóc khỏi trôi đi. Những hạt thóc ấy có khi phải phơi mất hai, ba hôm sau mới khô lại. Đấy là may mắn còn gặp hôm nắng ráo, chứ ông trời cứ mưa cho cả tuần liên tiếp thì thóc lại mọc mầm hết…

Lại nhớ đến những ngày bão về đúng vào vụ gặt. Lúa trĩu bông đổ rạp xuống mặt đất, cánh đồng trắng xóa một màu nước, những giọt mưa cứ nối đuôi nhau rơi không ngưng nghỉ, nẫu cả lòng cả ruột. Con châu chấu không còn đến một chỗ đậu, cố bám theo một nhánh củi khô mà lênh đênh theo dòng lũ trôi đi. Bà ngồi thở dài, hai hốc mắt trũng sâu như đựng đầy cả mùa lũ. Ông buồn rầu ngồi bên cái điếu cày lơ mơ thả làn khói trắng lên nóc nhà. Trong góc giường con cóc vẫn kêu mưa...

Sau bão mẹ lại đi vớt lúa ngay cho thóc khỏi mọc mầm, ôi bao nhiêu mồ hôi nước mắt giờ còn lại chả là bao. Năm mất mùa, có lẽ những cơn đói ngày giáp hạt chẳng bao giờ tôi có thể quên. Bà tôi ngồi bên nồi khoai nước luộc nhường lại từng bát cơm trắng tinh khôi cho anh em chúng tôi. Giờ mỗi lần nhớ lại lần nào tôi cũng khóc, tôi khóc không phải vì yếu đuối, cũng không phải vì cái nghèo cái khó năm nào, mà khóc vì thương bà. Những năm mất mùa tiếng rao lòng lợn nghe cũng trĩu buồn sau mấy rặng tre.

Cơn bão năm ấy đã cuốn đi đàn lợn duy nhất của gia đình tôi, cái đàn lợn mà cả năm dành dụm cho tôi vào đại học. Những tưởng nó cuốn phăng cả giấc mơ đi thật xa… Nhưng không, giấc mơ vẫn còn đấy. Sau bão mẹ lại làm việc quần quật, nhìn mái tóc bạc phơ và dáng mẹ gầy đi trông thấy. Chỉ những đêm sâu tôi nghe tiếng mẹ trở mình thật nhẹ, tôi biết cơn đau lưng của mẹ lại tái phát. Mẹ đã nén cơn đau để nuôi lại giấc mơ cho tôi, tôi chỉ biết lặng im mà khóc, lặng im mà thương mẹ, lặng im mà nghe tiếng mọt trên mái nhà đục khoét vào đêm.

Như mầm cây lại lên sau mùa lũ, có lẽ những khó khăn năm nào lại càng làm tôi có thêm động lực, thêm cố gắng để bù đắp lại những hy sinh của bà của mẹ đã dành cho tôi. Xã hội ngày càng phát triển, tôi lớn lên rồi đi làm ăn xa, nên cũng đỡ đần được nhiều cho mẹ. Chỉ thương bà, bà giờ không còn trên cõi đời này nữa, nhiều lúc bưng bát cơm trắng muốt lại nhớ tới nồi khoai nước năm nào mà thương bà đến ứa nước mắt. Có những chiều ngồi trên gác thượng, giữa phố xá đông đúc mà nỗi cô đơn đến rợn lòng. Mắt dõi mãi về một vệt khói chiều phía cuối trời xa, phía ấy là quê mình, và giờ cũng đang mùa gặt.


 



Theo LÊ ĐÌNH TIẾN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.