Nếu thành phố không có họ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ là những người yếu thế, đa phần lành tính. Họ là một mảng màu không thể bị xóa mờ, dù đôi khi nhập nhoạng và thường bị lãng quên, trong bức tranh chung của một đô thị lớn bậc nhất...
 


1. TP HCM lất phất mưa lạnh.

Tôi đi quay tin họp báo ở một khách sạn giữa trung tâm thành phố. Lúc ra khỏi khán phòng nghe điện thoại, tình cờ nhìn thấy ông qua khung cửa kính dài. Trong tiếng nhạc êm êm và mùi thơm bánh mới ở đây, cách một làn kính trong suốt ngoài kia, một người già ngồi bó gối, đôi dép xếp kế bên, ngay ngắn, lặng câm nhìn mưa bay.

Tự dưng nao lòng, tôi đẩy cửa bước ra hỏi ông dăm ba câu chuyện. Ông cho biết mình bán báo ở đây từ năm 1994, đủ loại từ tạp chí đến nhật báo tiếng Anh. Ông nuôi vợ và con gái bằng những ngày bán báo miệt mài này nhưng càng lúc càng ế ẩm.

Từng tờ được cho vào bao ni-lông bày biện ngay hàng thẳng lối. Tôi mua hai tờ, một trăm bảy mươi ngàn. Ông lật đật đi đổi tiền để thối lại, cám ơn rối rít.

Trước lúc quay đi, tôi nói hay để cháu chụp cho chú một tấm ảnh với quầy báo của chú. Ông gật đầu liền, mau chóng ngồi xuống làm dáng xòe tay, miệng cười cười. Ông rất yêu công việc của mình và mọi lời lẽ đều lịch sự, câu cú rõ ràng.

Trời vẫn lất phất mưa, từng dòng người vội vã...

Tôi bước qua cánh cửa, mùi bánh và cà phê thơm dễ chịu lại vây bọc.

 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



2. Tối muộn nào cũng thấy ông lão ở siêu thị đó. Ông ngồi ngay bậc thềm, xấp vé số trên tay, áo và dép cũ mòn. Ông hay nhìn ra đường, cặp mắt mờ đục, dáng hình bất động, kiểu mệt nhoài sau một ngày lang thang khắp chốn. Tôi thường tranh thủ mua mấy tờ, cốt chỉ để thấy đôi mắt ông chợt sinh động lên thoáng chốc, ông gật đầu và thêm mấy tiếng "cảm ơn con" nghe xao xuyến lắm. Ngày xưa, mỗi lần tôi đi công tác miền Tây về, cái ví cũng thường đầy căng toàn... vé số. Thật khó có thể từ chối một người già đã bạc phơ mái tóc vẫn cặm cụi mưu sinh...

Mấy tối liền, mua hàng xong trở ra thì ông lão đi mất rồi. Nên tối nay, nhất định mua nhanh nhanh. Ra tới cửa thấy ông còn ngồi, cúi xuống gửi ông chút bánh trái dễ ăn đối với người già. Thấy ông cười cũng vui lây. Rồi bất giác, nén tiếng thở dài, khi nghĩ về một bức tranh dài rộng hơn, của những người cao tuổi đơn độc thế này... Thôi thì, ai gieo được hạt lành gì thì gieo, trước khi chờ trông một câu chuyện khác, ở tầm vĩ mô, của những chính sách công có tác động thực thụ...

Những ngày cuối năm, tôi thường phải làm việc thật muộn. Đêm nay cũng vậy, 9 giờ tối mới đặt xe về nhà. Bác tài gầy gò nhã nhặn nhờ chỉ đường. Tôi nói ngay con đường ngắn nhất. Bác cảm ơn và sẵn đó mở lòng: "Thưa thật với cô tôi mới lên thành phố mấy tháng, chưa rành đường. Có đứa con trai duy nhất đậu Đại học Bách khoa. Hai vợ chồng gói ghém dọn lên đây luôn. Không phải sợ con hư vì nó là đứa biết nghĩ. Nhưng vợ chồng già rồi, có độc đứa con, nhớ nó lắm, muốn ở gần. Nhà cửa dưới nhờ ông bà trông coi. Tôi mượn được tiền ngân hàng mua chiếc xe này đó cô".

Tôi yên lặng lắng nghe, không biết nói gì. Thấy niềm vui chộn rộn trong từng lời kể của người đàn ông trung niên. Mỗi ngày, đi đi về về, góp nhặt mấy mẩu chuyện nhỏ. Những số phận rất đời, đủ loại hoàn cảnh nhưng chung một khao khát vươn lên thật thiện lương.

Đi lang thang khắp nẻo thành phố, tôi gặp rất nhiều người. Họ đều là những thân phận yếu thế, đa phần lành tính. Họ đóng góp cho GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) thành phố này tưởng chừng là hạt cát nhưng là một mảng màu không thể bị xóa mờ, dù đôi khi nhập nhoạng và thường bị lãng quên, trong bức tranh chung của một đô thị lớn bậc nhất.

Tôi là người viết, chỉ muốn ghi lại một lát cắt chân dung của tầng lớp bình dân, vẫn âm thầm tồn tại bên cạnh những hào nhoáng rực rỡ nơi này.

Theo Hồ Xuân Huy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…