Mùi quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến xe chiều chầm chậm, đưa nó quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu năm hành phương Nam với tất bật áo cơm, nó vẫn không nguôi nhớ về Mộ Đức - một huyện của quê hương Quảng Ngãi ngoan cường.

Sinh ra từ ruộng mạ, lớn lên trên luống cày, thưởng thức những hương vị dân dã nhưng rất đỗi thơ mộng và đẹp đẽ mà trưởng thành... Ảnh: Nguyễn Tiến Phúc
Sinh ra từ ruộng mạ, lớn lên trên luống cày, thưởng thức những hương vị dân dã nhưng rất đỗi thơ mộng và đẹp đẽ mà trưởng thành... Ảnh: Nguyễn Tiến Phúc


Nhiều năm xa xứ, từng vùng ký ức cứ xếp chồng, dâng lên trong khóe mắt, đầy lên trong trái tim nó. Xe tới đầu huyện, con nắng tháng bảy chiếu thẳng xuống cánh đồng lúa ngày nào đang vào mùa thu hoạch, cứ vàng ươm mà vẫy gọi, mà chào mời. Đưa tay kéo kính xe xuống, mùi lúa mới theo gió thoang thoảng len vào trong khoang mũi. Bất chợt, nó nghe tim mình thổn thức. Bồi hồi, nó dần lật lại khoảnh khắc của những ngày xưa…

Tháng ba âm lịch, chợ quê đầy nhóc cá chuồn, vì thế mà giá rất rẻ. Mẹ nó mua về, xếp vào lá chuối, kẹp lại mà nướng hay nấu với khế chua. Nó ngồi bên bếp, vừa ngửi mùi cá nướng, vừa nghe lời bài hát có đoạn “Nhớ mùa cá chuồn nhảy dây ăn trứng”. Chưa kịp dọn ra ăn, nước miếng nó đã tứa ra ròng ròng.

Tháng tám, mùa mưa, đi dọc phía bến bà Mười mà bắt cá niên, ướp muối ớt, nướng trên lửa than củi bạch đàn thơm lừng, béo ngậy, hòa cùng với mùi cơm ghém củ khoai lang khô gói trong những mo cau ngồi ăn ngon lành.

Núi rừng Mộ Đức ban tặng cho lũ trẻ bò chúng nó không biết bao nhiêu sản vật của thiên nhiên. Ở triền Bằng Cam, Hố Mè, Đá Chồng, Giếng Tiên trong những ngày hè, từng bụi sim rừng trĩu quả, chín mủm mỉm trên cành. Những cây trâm trái to bằng ngón tay, mọc dọc mép Hố Xanh, hái ăn xong rồi đứa nào cũng lè cái lưỡi tím rịm của mình ra mà cười giòn tan. Những lùm chà là tới kỳ chín rộ, sum suê, đen óng và ngọt lịm. Chỉ cần chặt một thân cây làm khù néo và một cái rổ tre, lũ chúng nó có thể giũ cả rổ đầy mang về. Hay cả những gốc chùm chày đỏ ối, mọng nước, những trái dủ dẻ vàng óng, ngọt như đường. Nó mê cái mùi hoa dủ dẻ, thơm như hoa ngọc lan. Nó thường hay hái hoa dủ dẻ về úp lại trong ly, để trên bàn học, lâu lâu lại dở ly lên cho mùi hương của hoa bay ra thơm ngát góc học bài.

Những ngày lũ về, nước dâng lên cao, bọn chuột đồng hết chỗ trú ngụ, đành phải trèo lên những lùm dứa dại mà núp. Lũ chúng nó lấy gậy chọt bắt đem về, thui lửa rơm làm thịt, bẻ măng tre gai, hái lá đắng cay xào cùng. Khỏi phải nói, mùi thơm của thịt chuột xào lá đắng cay có thể bay sang làm nứt mũi nhà hàng xóm.

Ngày dắt trâu cho cha đi cày, bùn lún sâu tới đầu gối, tối về nó tắm táp qua loa, cũng chẳng có xà phòng mà gội. Nó cứ để mùi bùn non quấn vào người, len vào trong từng giấc ngủ, riết rồi thành quen. Dân nhà quê mà cơ thể không phát ra mùi hăng hắc của bùn đất thì thật tệ. Nó cứ biện hộ là như thế.

Chuyến xe chiều chầm chậm, đưa nó quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu năm hành phương Nam với tất bật áo cơm, nó vẫn không nguôi nhớ về Mộ Đức - một huyện của quê hương Quảng Ngãi ngoan cường.

Quê nó mía nhiều vô kể. Khi những cánh đồng mía trổ bông trắng lóa là đến mùa thu hoạch. Mía được đưa về các chòi, dùng trâu bò làm sức kéo để ép lấy nước và nấu lấy đường bằng phương pháp thủ công. Lũ chúng nó hay lấy củ khoai lang hoặc khoai mì nhúng vào các chảo đường đang nấu sôi, để đường sánh vào củ ngọt lịm, vớt ra ăn, lấy nước mía chè hai mà uống, no rồi thì trèo lên đống bã mía mà ngủ ngon lành.

Ngày tết, nhà nhà đều đúc bánh thuẫn, loại bánh được chế biến từ bột bình tinh và trứng gà. Bánh mới đúc xong còn nóng, mềm, thơm mùi đặc trưng của trứng và nước cốt gừng. Những cái bánh tịt, không nở đẹp được các mẹ cho chúng nó ăn ngay tại bếp. Vậy nên mỗi khi các mẹ giở nắp khuôn ra mà thấy bánh tịt, không nở, là lũ chúng nó reo lên như bắt được vàng, hớn hở lắm.

Thế đấy, bao nhiêu cái hương vị của xứ sở Mộ Đức yêu thương này cứ lần lượt ùa về, bủa vây trong tâm hồn nó. Vậy nên, đã quá nửa đời người nhưng nó chẳng bao giờ nguôi quên. Chiều nay, nó được mẹ đãi cho món bánh xèo làm từ gạo mới thu hoạch, đúc với thịt vịt cỏ băm nhuyễn. Cầm cái bánh nóng trên tay đưa lên mũi, nó hít thật sâu vào lồng ngực, cho cái mùi đồng nội thấm vào trong từng mạch máu.


Đêm xuống, nó ôm người cha già dãi dầu sương gió vì ruộng đồng của mình mà ngỡ như ôm tất cả quê hương vào lòng. Vị hăng hắc nắng từ cơ thể cha pha lẫn với những mùi vị của tất cả ký ức mà nó nhớ tạo nên cái chất, cái đậm đà của nơi chốn này.

Sinh ra từ ruộng mạ, lớn lên trên luống cày, thưởng thức những hương vị dân dã nhưng rất đỗi thơ mộng và đẹp đẽ mà trưởng thành. Dẫu thành danh nơi đất khách, nó vẫn không thể nào nguôi quên. Trong tâm hồn nó, vẫn chất chứa một mùi thơm phưng phức - Mùi quê!

Theo VŨ TRẦM (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.