Lối về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở phố nên con người cứ mãi tất bật. Những bác thợ xây tóc đã bạc, lưng đã sớm mỏi nhưng vẫn thoăn thoắt tay bay, tay thước để kịp hoàn thành ngôi nhà mới. Những chuyến xe chở củ quả ùn ùn đổ về thành phố làm đầy mâm cơm. Những dòng người xe đổ dồn về các công sở, hàng quán, siêu thị, chợ búa... Trong thời khắc đó, có ai bắt chuyến xe sớm giữa sáng ngày để tìm về với mẹ?
Những ngày này, chỉ còn lác đác trên đồng bãi những cọng rơm vãi do cấy muộn. Những quả đồi được xẻ thành từng tầng ruộng giờ như chú trâu nằm thở sau một vụ lúa cật lực chạy đua với thời gian. Leo dốc mệt lử, gặp mùa quả vừa đi qua. Nhìn lên thấy tán cây xanh mát vừa được mưa tưới tắm. Những cái cây thảnh thơi rửa mặt sau một mùa tất bật lo cho hoa, cho trái.
Những ngày này, trong vườn mẹ có nhiều loại rau dành riêng cho những người xa quê. Âm thầm cằn cỗi suốt tháng năm, kiên gan với đất đồi, gặp mưa mùa hạ chúng mới xanh mướt. Mẹ bao giờ cũng sẽ chan cho ta bát canh thật đầy. Mẹ đã già, không thể theo bước chân con được, chỉ biết trao con bát canh tràn đầy như biển. Bữa cơm trước hiên nhà trong buổi chiều trời xanh, mây trắng, chợt thấy chỉ có gió quê hương là mát rượi, thổi đến tận cùng làm dịu những âu lo, canh cánh tự đáy lòng.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Tháng 7 trở về, cỏ xanh đã che lấp đi những dấu chân. Nhưng, đó không phải là dấu chân quen thuộc đi nương mà là dấu chân ai đó đã lâu lắm không trở về. Thiên nhiên cũng đầy bao dung, giúp con người không phải đối diện với quá khứ. Khi ta trở về, cỏ lại nép mình nhường lối. Hình như đến giờ ta mới nhận ra, đường trở về luôn mới mẻ. Như một con đường mới mở trong cuộc mưu sinh này.
Ở phố, nơi nào có đường thì ta mới đến và khi rời xa chẳng mấy lưu luyến. Còn khi trở về nơi núi rừng đã cưu mang, bao bọc ta, một lần bước đi mà cảm thấy bao điều áy náy còn hằn sâu trong tâm trí, như một sự ân hận. Biết là như thế mà không thể nào khác được.
Tháng 7, mưa nắng thất thường. Đêm cũng như ngày đều vồn vã. Có người nâng ly cà phê nơi phố vắng để ngóng về quê cũ, có người lặng lẽ đi dưới tán cây để cảm nhận thật rõ một lối về luôn đón đợi mình. Lối về của kỷ niệm, của nhớ nhung và của những ưu tư. Hình như, mẹ vẫn đợi ta, núi rừng vẫn đợi ta. Và có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn, ta cũng đang đợi chính mình.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.