Âm thanh làng trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku là thành phố của sự giao thoa văn hóa, hài hòa, ôn hòa và tích hợp. Trên địa bàn thành phố có tới 40 ngôi làng của đồng bào Jrai. Trong đó có những ngôi làng ven đô, thậm chí ở ngay trong phố như: Pleiku Roh, Plei Ốp, Plei Kép, làng Nhao...
Người dân những ngôi làng trong phố ấy thường ngày vẫn cày cấy, canh tác lúa nước dọc theo những thung lũng xen giữa các lưng đồi của Pleiku. Mùa gieo cấy gặt hái, xe công nông chạy băng băng qua phố chở bà con đến với những cánh đồng. Người ta quen gọi tếu táo đó là... tắc xi làng. Chiều chiều, những đàn bò đủng đỉnh qua phố làm nên một nét phố quê thanh bình, an lạc. Nghe nói ở xứ Ấn Độ, họ yêu bò thờ bò, trên phố vẫn có những đàn bò ngang qua như vậy!
Pleiku là phố của núi đồi, suối và thung lũng miệng núi lửa tròn vo những vựa lúa. Những ngôi làng Jrai làm nên sắc thái đặc sắc cho Pleiku, hiếm nơi có được. Bây giờ, ở ngoại ô đã mọc lên khá nhiều quán ẩm thực mang bản sắc Tây Nguyên, trong đó điểm nhấn là gà nướng, cơm lam, rượu cần... hầu hết đều do người dân tộc thiểu số bản địa chế biến, phục vụ và tổ chức. Có thể nói, những dịch vụ này đã tôn vinh nét văn hóa ẩm thực truyền thống của vùng đất Tây Nguyên, làm cho du khách biết đến nhiều hơn về Pleiku.
Biểu diễn cồng chiêng tại làng Plei Ốp (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Biểu diễn cồng chiêng tại làng Plei Ốp (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Xa hơn, ở những ngôi làng ngoại ô, các lễ hội truyền thống vẫn được lưu giữ, tôn tạo. Ngày qua ngày, mỗi khi màn đêm sập xuống, dường như Pleiku lại nôn nao bởi những âm thanh từ các vùng đất ngoại ô vọng về. Trong đêm, âm thanh cồng chiêng trườn qua những miệng núi lửa, theo gió Đông bập bùng bay trên mái phố.
Tôi nhớ những năm trước, Pleiku còn nhỏ, còn hoang sơ, cái thú vui trong trẻo nhất của những ai có nhà ở cuối đường Tô Vĩnh Diện là vào đêm trăng sáng ra đầu dốc, ngắm rặng dã quỳ bên miệng núi lửa sâu hoắm và nghe tiếng cồng chiêng từ làng Ốp dưới thung sâu vọng về. Những thanh âm mùa lễ hội no ấm dường như cũng làm cho Pleiku thao thức khó ngủ.
Khuya rất khuya, những âm thanh ấy càng trở nên trong trẻo, càng mơ hồ hư ảo! Đã từng dự nhiều lễ hội, từng nghe không biết bao nhiêu bài chiêng ở các buôn làng xa xôi, vậy mà nghe những thanh âm ấy ngân lên trong đêm trăng bập bùng dội về phố tôi lại thấy nó da diết lạ, thanh bình lạ. Việc diễn chiêng trong phố dễ làm người ta thấy gượng gạo, thế nhưng tiếng vọng ấy về phố lại nôn nao lạ thường!
Những đêm khó ngủ ấy đã cho tôi những câu thơ về cồng chiêng vùng ngoại ô:  “Lang thang đêm ngoại ô không ngủ/Hồn cồng chiêng thao thức gọi nhau hoài”. Ấy là những tiếng cồng tiếng chiêng vọng động xa xăm, đêm đêm dội về phố. Nó như từ cõi Mang Lung nào đó, ma mị, ảo hoặc như mơ.
Bây giờ, Pleiku tấp nập hơn, ồn ào hơn. Qua mỗi ngày náo nhiệt ước những đêm thanh bình, ước những âm thanh cồng chiêng lại vươn qua những thung lũng, những miệng núi lửa tối cổ thời hồng hoang bay về lang thang trong phố. Mong cho những âm thanh của làng mãi ru phố đêm vào giấc mộng yên lành. Nó làm cho Pleiku trở nên gần gụi thân thương giữa cao nguyên núi rừng!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.