Thênh thang mây trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có việc đi xa, trở về đúng dịp tháng 3 vừa chớm. Đây có lẽ là khoảng thời gian mà tiết trời đẹp nhất trong năm, máy bay ở tầm thấp, đôi cánh nghiêng nghiêng trong mây. Qua ô cửa kính, tôi tưởng mình có thể đưa tay mà chạm vào mây trời.
Từ trên cao nhìn xuống, những mỏm núi nhấp nhô ẩn hiện dưới những vòm mây. Từng cụm mây trắng xốp, la đà vấn vít nhau, vấn vít núi đồi, thênh thang và nhẹ nhõm. Tôi thấy mình như đang được bay cùng những đám mây bồng bềnh ngoài kia.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Một buổi sớm, tôi cùng những người bạn rong ruổi về phía ngoại ô. Thành phố bé nhỏ của chúng tôi nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi. Ly cà phê sớm ấy không mang hương vị của chỗ ngồi quen thuộc bên vỉa hè tấp nập người qua lại, mà đẫm hương của gió núi và mây trời. Khi xung quanh không phải là những bức tường choán hết tầm nhìn, mà là lồng lộng gió từ mặt hồ và núi trầm mặc cùng thản nhiên mây trắng thì ly cà phê quen thuộc dường như cũng mang một hương vị khác. Câu chuyện của chúng tôi hôm ấy cũng khác, không còn là những bộn bề của đời sống công chức bàn giấy. Chúng tôi lùi hẳn về một khoảng xa xôi, trong trẻo, thênh thang như mây trời đang hiển hiện trước mặt.
Một người bạn kể về quãng tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn nhưng ăm ắp tiếng cười. Thế hệ chúng tôi, ai cũng đã từng có tuổi thơ như vậy. Tháng ngày chân đất đầu trần, tóc khét nắng trên lưng trâu, chơi những trò chơi ở miền quê nào cũng có. Từ những miền quê ấy, chúng tôi có mặt ở đất này như một mối lương duyên. Trong một buổi sớm mai trong lành, chúng tôi cùng nhau nhắc lại tuổi thơ của mình, quê hương của mình, cùng ngước lên nhìn vòm trời chứa chan mây trắng nơi miền đất đang nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi thật giống những đám mây kia, bồng bềnh vô định, rồi neo về phía núi, thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Tôi thường nghe người ta nói với nhau về sống chậm. Đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, ngắm nhìn một đóa hoa vừa nở còn đượm sắc hương, thả mình theo một áng mây trời... không phải là điều quá khó để thực hiện. Như buổi sớm mai này, khi mà ngỡ như thời gian đã làm cằn cỗi đi tất thảy mọi xúc cảm thì tôi lại được đặt bàn tay mình lên lưng chú nghé con có cái xoáy hoa ngộ nghĩnh, lùa những ngón tay vào bộ lông mềm mượt của một chú dê con mà như gặp lại mình ở một khoảng thời gian đã trôi qua rất xa. Hương đồng ruộng, hương cỏ, hương bùn đất quyện với hương ban mai vấn vít trong gió núi rời rợi. Và xa kia là mặt trời. Mặt trời soi bóng núi đổ xuống mặt hồ lao xao gió. Những gợn bạc lăn tăn lấp lóa ngàn vạn tia sáng hắt lên những lá mây tinh sạch chờn vờn ngay chân núi.
Rồi chúng tôi sẽ cùng nhau già đi ở đây. Tôi có lẽ sẽ còn có những chuyến đi xa. Mỗi chuyến đi sẽ là những trải nghiệm để tôi biết thêm những điều mới mẻ ở những nơi tôi đến. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi máy bay hạ độ cao, khi thành phố lọt thỏm giữa bốn bề là núi của tôi lấp ló dưới những tầng mây nhẹ bẫng thì lòng tôi lúc nào cũng sẽ như reo lên, tay tôi như muốn vươn ra để hái lấy những đóa mây trời.
Dẫu là từ trên cao dõi xuống hay từ chân núi ngước vọng lên thì cảm giác thênh thang, thơ thới, bềnh bồng theo mây trời lúc nào cũng như giấu sẵn trong người. Chỉ cần ánh mắt chạm vào, sẽ tự khắc rung ngân lên những xốn xang yêu mến.
ĐÀO AN DUYÊN 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…