Thấp thoáng dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên đường đi làm về trưa nay, tôi phát hiện ra dã quỳ đã bắt đầu đơm bông vàng lên tươi rói trong đám cây lá mập mạp xanh um.
Dã quỳ bén rễ ở đất này bao lâu dường như chẳng mấy ai nhớ. Nó cứ hừng lên màu vàng rực khi gió trở mùa se sẽ, ren rét. Dã quỳ là hoa báo nắng, báo đông. Vừa rồi mưa một đợt dài lắm, tưởng chừng sẽ ngừng ít ngày rồi mưa tiếp. Nhưng không. Dã quỳ nở nghĩa là mùa khô đã về.
Bầu trời như được đẩy lên cao hơn. Những sáng sớm có sương giăng mờ mờ. Tiếng gà gáy muộn vang lên phía nhà nào đó ở ngoại ô. Gió khẽ lay hàng thông già vi vu. Mới tuần trước, dưới đám thông đó là bãi cỏ mềm mịn như nhung, xanh tươi roi rói. Ấy thế mà hôm nay có việc đi ngang qua, tôi thấy đám cỏ dưới chân đã dần biến sắc về già. Tấm thảm mịn màng ấy chuyển màu gió thô thô, ram ráp. 
Ảnh internet
Ảnh internet
Tây Nguyên mùa gió, mùa hoa. Khi muồng vàng chín vụ thì dã quỳ cũng bắt đầu ấp ủ đơm bông. Đời hoa cũng luân phiên, chia nhau khoảng thời gian bung nở để vùng đất nuôi dưỡng chúng lúc nào cũng khoác lên mình những màu hoa rực rỡ. Bạn hỏi tôi, mùa nào đi Tây Nguyên đẹp nhất. Tôi không ngần ngại trả lời rằng: mùa này. 
Mùa này. Gió. Cái gió le lói rồi ù đặc đi. Gió báo nắng. Nắng báo chuyển mùa. Chuyển mùa gọi dã quỳ nở. Năm nào cũng chu kỳ ấy lặp đi lặp lại. Vạt dã quỳ bên đường khô đặc khi trút bỏ những cồi hoa khô giòn. Nắng khiến chúng quay quắt. Rồi mưa đầu mùa giúp chúng vươn mạnh lên, nuôi cho cây mọng nước, béo tròn. Đợi chàng gió về tỏ tình, rót mật là chúng đơm bông cho một mùa mới. Dã quỳ như con người bản địa Tây Nguyên thuần hậu, thích tự do, phóng khoáng. Tôi thấy dã quỳ chỉ đẹp khi nó mọc thành đám bên vệ đường, chen từng khoảng đất cùng cỏ dại, với cây lương thực trên núi Chư Đăng Ya. Chợt nhớ chuyện một anh nhà hàng xóm tôi, có lẽ sợ đô thị chen hết đất của dã quỳ nên bèn bứng một đám dã quỳ trồng trước ngõ. Mỗi độ tưới cho luống hồng gai, anh tưới luôn cho chúng. Dã quỳ vẫn vàng lên, rạo rực, vậy mà dường như tôi thấy nó không còn là dã quỳ khi nằm trong mảnh vườn nhỏ ấy. Phải chăng vẻ đẹp của dã quỳ là vẻ đẹp của tự do, lang thang, hoang hoải.
Dã quỳ giờ đã thành lễ hội. Dã quỳ thành chủ đề du lịch để khai thác. Tôi mừng vì sẽ ngày càng có nhiều người biết đến quê hương tôi với màu đất đỏ quạch. Nắng lên. Gió thốc. Những con dốc đứng chiều về càng thêm cao. Tối đến, phố mờ đi trong màn sương hư ảo. Hiềm nỗi, dã quỳ chỉ nở mỗi khi chuyển mùa độ hai, ba tuần là tàn khô. Mà nhu cầu về cái đẹp của con người thì năm cùng tháng tận. May mà ngoài dã quỳ, Gia Lai còn có muồng vàng, thông reo, cỏ hồng..., khiến du khách đã lỡ vương vấn rồi thì khó lòng không ghé lại. 
Thấp thoáng dã quỳ bên vệ đường trưa nay. Tôi đưa tay khẽ nâng cánh hoa trong gió, trong nắng, rung rinh, rung rinh.
 TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...