Bếp nhà tôi thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những buổi chiều mưa, ai đi xa mà không nhớ bếp nhà. Nghe mẹ nói, căn bếp gạch ngày xưa chính tay ba xây cùng với cậu, cái thời còn khổ. Vậy mà căn bếp lại đậm bao kỷ niệm. Những buổi chiều chờ mẹ về đỏ bếp.
Những buổi sáng lười biếng mở mắt dậy đã thấy mẹ dưới bếp, chuẩn bị một món quà sáng nào đó ấm lòng trước khi bắt đầu ngày dài. Và cứ như vậy thành thói quen. Anh Hai, chị Ba lần lượt lớn lên và giữ nhiệm vụ quan trọng với căn bếp, coi, canh đồ ăn đang nấu; giỏi hơn thì một mình có thể nấu ăn ở bếp củi. Không gian ấm cúng ấy đã nuôi lớn bao nhiêu cái dạ dày, qua bao bữa cơm, lúc đồ ăn chỉ là mớ rau, miếng mắm kho hay khi cá thịt đầy nồi.
  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Trong căn hộ ở phố, nhớ sao cái nồng nồng mùi bếp buổi chiều. Đàn gà cả mẹ lẫn con trốn mưa cứ lủi thủi nơi góc bếp. Cả con chó ngày thường ăng ẳng cũng vùi mình, co lại một góc gần bếp, chú mèo cũng lẩn quẩn đâu đó. Một nồi cơm đang nấu sẵn, một ấm nước đun sôi, cái bình thủy bên cạnh, đợi nước sôi là đổ vào ngay, thay một lượt nước mới. Buổi chiều chúng tôi thường nhặt đâu đó những nhánh củi khô, đôi khi có những thân cây lớn hơn, bẻ làm đôi làm ba, chất đầy bên góc bếp, rồi khi nấu, cứ tiện tay lựa khúc củi phù hợp mà bỏ vào. Lửa cháy đượm, ngồi trên chiếc đòn nhỏ, khoanh tay nghiêng đầu vào gối. Cứ thế chờ đồ ăn chín, chờ anh chị về, chờ mẹ về.
Ngày giỗ luôn là ngày bếp rộn ràng nhất. Những rau quả, cá thịt chất đầy. Các cô các chị vừa làm đồ ăn, chuẩn bị cho món này, vừa canh chừng nồi lửa nấu món khác; hết nấu, rồi nướng, rồi hấp... Tôi nhớ nhất một lần khi chị tôi được nghỉ mấy ngày phép, từ thành phố về thăm nhà. Sau khi nhìn ngó hết một lượt mọi cảnh vật quen thuộc, chị lại xuống bếp thật lâu, ngồi bên cạnh mẹ, làm các món ăn quen thuộc, xưa cũ. Chị thích ngọn khói từ bếp củi, thích những lỗ nhỏ khói phả ra, thích nghe lửa cháy lách tách và hình như là thích sống lại những ngày thơ bé ngồi canh lửa yên bình.
Căn bếp thường làm lòng mình ấm cúng hơn, có lẽ vì lửa ấm, vì món ăn đang sôi lên, nhìn là đã thấy thích con mắt. Cũng vì bếp còn là nơi nuôi lớn anh em chúng tôi. Đôi lúc, những bữa cơm ăn vội diễn ra ngay dưới bếp, mỗi đứa bưng một chén cơm rồi ngồi chồm hổm ăn ngay để kịp giờ đi học, đi làm. Cả những tranh giành ngốc nghếch đối với các món ăn của anh chị em tôi cũng diễn ra ở đó, rồi nụ cười hiền phân xử của mẹ cũng ở bên mái bếp. Lúc làm gì khiến ba giận, chúng tôi chỉ biết chạy trốn dưới bếp, vì biết nếu trốn hoài mà đói bụng quá còn có cái mà ăn.
Bếp nhà, bếp nhà ơi. Giữa buổi chiều trời mưa, nhớ bếp nhà da diết. Nỗi nhớ ở đâu đó ẩn hiện hình bóng ba mẹ, anh chị. Khung cảnh quen thuộc, căn bếp nhỏ, đơn sơ và quá đỗi hiền hòa. Mùi bếp là mùi quê, mùi thương, mùi nhớ...
NGỌC LAN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.