Ký ức mùa hè: Nhớ mùa của tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi tôi kể về những mùa hè tuổi thơ, bạn bè thành phố có chút ghen tị. Tuổi thơ của họ đủ đầy nhưng có thể không thú vị bằng những kỷ niệm mà tôi đã trải qua.

 Hè về, nhớ lắm những buổi chăn bò cùng đám bạn
Hè về, nhớ lắm những buổi chăn bò cùng đám bạn



Chăn bò với đám bạn

Mùa hè đối với tôi không bao giờ có khái niệm đi du lịch. Cứ thi học kỳ hai xong, chị em tôi thay nhau lùa bò đi thả. Nhà tôi hồi ấy có một đàn bò chừng chục con. Sáng sớm, tôi bận bộ đồ cũ mèm, nhét chiếc đài chạy pin con thỏ vào túi áo, cắp cái nón cời bên hông rồi lăm le cây roi đi sau đàn bò.

Tôi thả bò ở ngọn đồi sau làng. Trong lúc những chú bò gặm cỏ, tôi tranh thủ nhặt củi khô cột thành từng bó, đem về để dành cho mùa đông ướt ẩm. Nếu không nhặt củi, tôi sẽ hái sim, bẻ măng rừng hoặc nhổ nấm tràm. Sau trận mưa rào, bầu trời hửng nắng, những búp nấm nhú lên dưới đám lá khô hoại mục. Chỉ cần tìm được một búp, nhìn quanh sẽ thấy cả vạt. Nấm tràm nấu cháo hoặc xào rau muống đều ngon. Cũng có khi tôi ngồi yên nhìn đàn bò ngoạm cỏ rào rạo. Tôi biết rõ tính khí của từng con, thậm chí biết chúng thích ăn loại cỏ nào. Tôi đếm thời gian bằng những chương trình trên đài. Kết thúc chương trình nào đó thì tôi cho bò về nghỉ trưa.

 Chiều lại tiếp tục

Khi cánh đồng trước nhà lên cỏ non mơn mởn, tôi không cần lùa bò đi xa nữa. Đám trẻ chăn bò trong làng tụ lại với nhau. Chúng tôi góp mỗi đứa hai ngàn, cử một đứa chạy ù xuống chợ. Hai ngàn đủ để mua một bịch nước mía hoặc ly chè mát lịm. Buổi chiều, nắng bớt gắt và gió bớt hanh, chúng tôi rủ nhau thả diều. Những cánh diều được làm vụng về từ giấy vở học sinh và thanh tre chuốt mỏng. Chúng tôi vứt dép và nón một góc, chạy chân trần trên cỏ thi xem diều của ai bay cao hơn. Có bữa tôi ham vui quá, quên để ý đàn bò. Bò nhà tôi lẻn vào vườn người ta ăn khoai mì làm mẹ tôi phải đem tiền đi chuộc. Tôi bị đánh nhưng vẫn không chừa.

Bầu trời đêm hè

Tôi nhớ những đêm mất điện, mẹ trải chiếu ra giữa sân. Mấy chị em tôi nằm ngắm bầu trời đêm hè. Có khi chi chít những đốm sao mơ. Có khi chỉ treo lơ lửng mảnh trăng lưỡi liềm. Ở quê, kể cả những hôm có điện thì bầu trời cũng rất quang mây. Tôi lắng tai nghe tiếng dế kêu ri ri. Tiếng lá tre khua xào xạc. Gió thổi mát rượi và tôi cứ thế ngủ khi nào không biết.

Vui nhất là những buổi tối mấy chị em ra vườn bắt đom đóm. Những con đom đóm lập lòe bay từ bụi cây này sang bụi cây khác. Tôi chộp được một con liền hí hửng mở hé tay coi đom đóm phát sáng như thế nào. Sau đó, tôi luôn thả chúng đi với ý nghĩ: “Bạn đom đóm cũng cần về nhà ngủ”. Kỳ lạ là bây giờ đom đóm rất ít. Tôi gần như không thấy những đốm nhỏ nhấp nháy mỗi khi về quê.

Làng tôi dần khá giả hơn. Nhà giàu trong xóm bắt đầu sắm ti vi. Vì nghỉ hè không cần phải học bài nên buổi tối tụi tôi được đi coi phim thoải mái. Ăn cơm xong, mẹ tôi luộc một nồi khoai làm quà. Chúng tôi lốc cốc bưng rổ khoai sang nhà nào có ti vi, say sưa với những hình ảnh sống động. Khuya về, chẳng cần bật đèn pin tôi cũng nhớ hết đoạn đường nào có mô đất nhô cao, đoạn nào lõm ổ gà. Có lẽ tôi đi bằng cảm giác nhiều hơn. Ngẩng lên, tôi thấy ánh trăng hiền dịu dõi theo mình.

Tôi đã đi qua mùa hè cuối cùng của thời học sinh với những giọt nước mắt chia xa bè bạn. Đi qua những mùa hè sinh viên nhiều vất vả nhưng ý nghĩa. Cho đến hiện tại, tôi không còn háo hức với mùa hè nữa. Bởi với người đi làm thì hè hay đông, nắng hay mưa cũng đều giống nhau. Thế nhưng, trong lòng tôi luôn nhớ về những ngày thơ yên ả đó. Mùa hè tuyệt vời nhất là khi được làm đứa trẻ hồn nhiên bên gia đình. Qua rồi nhìn lại thật nhớ và thương!

Nhiên Phượng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...