Tình già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày còn là một cô bé 18 tuổi đầy ngây thơ và mơ mộng, tôi vẫn thường ao ước có những cuộc tình đầy lung linh huyền ảo với âm nhạc, hoa và nến. Tôi với người tôi yêu sẽ cùng khiêu vũ trong tiếng nhạc du dương, trong tiếng sóng biển rì rào. Thế nhưng, mãi cho đến bây giờ, khi đã không còn là một cô bé 18 tuổi, tôi mới chợt nhận ra rằng, những câu chuyện tình yêu lãng mạn không phải lúc nào cũng có nến và hoa và sóng biển, nó đôi khi được vẽ nên từ những điều rất giản dị.

Tôi ngưỡng mộ tình yêu của ông bà tôi, thứ tình cảm mà cho đến tận bây giờ, ông bà vẫn khiến con cháu trong nhà phải xuýt xoa ganh tị. Từng là một người lính, ông gặp bà và phải lòng người con gái Đà thành xinh đẹp dịu dàng ấy lúc nào không hay. Mỗi dịp về thăm nhà, tôi vẫn thích ngồi cạnh để nghe bà kể về những “bức thư tình đầu tiên” ông gửi cho bà. Những lá thư đến giờ tuy không còn nhưng bà bảo nó vẫn luôn nằm sâu trong trí nhớ. Thỉnh thoảng, trong khi kể chuyện bà dừng lại, nhìn về phía dáng ông đang cặm cụi nhổ cỏ rồi mỉm cười. Tình già của ông bà thật đẹp biết bao.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Ông bà tôi có sáu người con, ai cũng được học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định. Ông vẫn thường nói với chúng tôi rằng ngày xưa nhà có nghèo đến mấy, ông bà có nhịn ăn cũng phải để cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Mỗi lúc kể chuyện ngày xưa, tôi vẫn thấy đôi mắt ông bà ươn ướt. Cả cuộc đời hai người lam lũ mưu sinh chỉ để con cái ăn học thành tài. Dù có bao gian khó vất vả, cả hai người vẫn chưa bao giờ buông tay nhau, cùng nhau cố gắng để con cái mai sau không phải sống cuộc sống vất vả như mình.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng sự lãng mạn của tình già trong ông bà vẫn chưa bao giờ dứt. Ăn cơm, ông chẳng bao giờ khen món bà nấu, chỉ lặng lẽ ăn hết tất cả. Con cháu lâu lâu về nấu cho ông ăn những ngày bà vắng nhà, bao giờ ông cũng than: “Chỉ có mạ mi nấu mới vừa miệng ta”. Những ngày bà bị căn bệnh thấp khớp hành hạ, phải nằm viện, lần nào chúng tôi đưa cơm cũng nghe bà hỏi: “Không biết giờ ni ông tụi bây đã ăn cơm chưa?”. Tình cảm ông bà trao nhau không cần hoa, nến, chỉ là một người mỗi chiều vẫn xuống ngồi nơi chiếc võng quen ngắm nhìn hình bóng của người phụ nữ đang lúi húi nấu ăn trong bếp, một người chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng đoán được đó là người kia. Vậy là đủ!

Ông bà tôi cất một ngôi nhà khang trang trong khu vườn rộng rồi trồng thêm vài cây ổi, luống khoai, nuôi thêm mấy con gà, con vịt cho vui cửa, vui nhà. Ngôi nhà ấy chỉ vào những dịp lễ, Tết mới rộn ràng tiếng con cháu. Đôi lần, ba mẹ tôi hoặc gia đình cậu dì khuyên ông bà chuyển lên sống với chúng tôi nhưng ông bà nhất quyết không đi. Ông bà bảo đi đâu cũng không bằng nhà mình.

Tình già của ông bà chính là niềm mong ước của những người trẻ như chúng tôi. Không cần xa hoa vật chất, không cần luôn nói lời đường mật ngọt ngào. Chỉ đơn giản là những ánh cười từ đôi mắt đã hằn lên những vết chân chim của thời gian, là những ngày gian khó cả hai đã cùng vượt qua. Ông bà tôi chợt làm tôi nhớ đến lời bài hát đang rất nổi tiếng trong giới trẻ của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu: “Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi. Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi… Ôi tình yêu, ngày xưa đẹp lắm con ơi. Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi. Và thời ấy, bình dị lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời…”.

Trúc Phương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.