Chiếc khiên trong đời sống đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khiên là loại vũ khí tự vệ khá phổ biến của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Đây là loại binh khí hộ thân khá lợi hại khi đánh gần. Đi cùng với khiên là gươm hoặc lao, những loại vũ khí cổ sơ của các chiến binh thời cổ đại.

Chiếc khiên làm từ vật liệu cứng để khi đánh nhau có thể cản đẩy mũi tên, ngọn lao, đường kiếm nguy hiểm từ phía đối phương. Đối với nhiều dân tộc, chiếc khiên còn được sử dụng như đạo cụ tham gia các điệu múa của trai tráng trong các lễ hội. Từ loại vũ khí tự vệ, khiên đã được đưa vào “nghệ thuật múa”, gọi là điệu múa khiên. Chiếc khiên có hoa văn, họa tiết đẹp tựa như đóa hoa của núi rừng Tây Nguyên.

Múa khiên là điệu múa phổ biến của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Đồng bào M’Nông có 2 loại khiên bằng gỗ: khiên tung là loại to, cứng được đẽo bằng cây tung; khiên blang là loại mềm, được đẽo bằng cây gòn gai. Đồng bào Ê Đê có chiếc khiên làm bằng gỗ hoặc da trâu đi kèm với kiếm hoặc giáo. Đồng bào phía Bắc Tây Nguyên như Jrai, Bahnar, Xê Đăng ngoài những loại khiên làm bằng gỗ cứng còn có loại được chế tạo bằng sắt, thép, đồng. Múa khiên là một nghi lễ bắt buộc trong các lễ hội lớn như: lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành, lễ hội rước kpan (ghế ngồi đánh chiêng trong nhà dài), lễ cúng bến nước... Động tác múa khiên mô phỏng tư thế của một chiến binh: khi gạt, khi đẩy xô về phía trước như đang đánh nhau hoặc rung, lắc nhằm tạo âm thanh, nhịp điệu lúc múa. Cùng với trống hgơr và chiêng, những quả nhạc, lục lạc, chũm chọe bằng đồng gắn trên bề mặt khiên tạo ra âm thanh reo vui, rộn ràng khi người múa rung hoặc lắc chiếc khiên.

Điệu múa khiên của thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong lễ hội đường phố. Ảnh: Tấn Vịnh
Điệu múa khiên của thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong lễ hội đường phố. Ảnh: Tấn Vịnh

Đồng bào Cơ Tu có điệu múa Tân tung nổi tiếng, đó chính là điệu múa khiên sôi nổi của trai làng. Điệu múa tái hiện động tác của chiến binh thời cổ, khi thì nhảy tiến lên lao thẳng giáo mác, cây kiếm về phía trước, khi thì nhảy lùi, thu gọn khom người về phía sau lấy khiên che chắn. Người múa chân thì tay trái cầm khiên (mặt khiên che phần ngực) đưa lên hạ xuống. Tay phải cầm kiếm cũng theo nhịp của tay trái, đánh nhịp về phía bên phải. Với tiết tấu âm nhạc từ chiêng, trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của đám đông dự lễ hội, người múa khiên càng say sưa với điệu nhảy thể hiện nét oai phong, hùng dũng.

Chiếc khiên là hiện vật gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao. Nó được đưa vào làm đồ án trang trí làm đẹp trên trang phục, trên các công trình kiến trúc. Trên bề mặt chiếc khiên của đồng bào Cơ Tu thường trang trí hoa văn mặt trời (mat tngây/mat pleng). Nó được dùng để trang trí cây cột cái, xà ngang, mặt cắt của các đòn tay nằm ở phía trước nhà làng hoặc vô số biến thể, đồ án được ưa chuộng trên nền thổ cẩm. Mô típ hoa văn đặc biệt này được thể hiện bằng nhiều đường thẳng chìa ra xung quanh theo 8 cạnh. Đầu mỗi cạnh có 8 hình con thoi biểu thị cho mũi nhọn của chiếc giáo, chiếc mâu hoặc hình hoa thị có tia nhọn xung quanh. Những mô típ hoa văn không chỉ làm đẹp cho bộ trang phục, các công trình kiến trúc truyền thống mà còn mang ý nghĩa biểu tượng là vật bảo hộ, luôn xuất hiện bên cạnh con người, che chắn cho dân làng được sống trong bình yên, tránh khỏi thiên tai địch họa.

Ảnh 4 Các loại khiên được trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống
Hoa văn trang trí trên những chiếc khiên thường giống nhau về mô típ và màu sắc. Ảnh: Tấn Vịnh

Đối với các dân tộc Tây Nguyên, hoa văn trang trí trên những chiếc khiên thường giống nhau về mô típ và màu sắc. Mô típ quen thuộc là ngôi sao hay mặt trời, thể hiện vũ trụ quan sơ khai của họ. Nó cũng đồng dạng với hoa văn hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn vì các dân tộc nơi đây bảo lưu, kế thừa tàng tích của quá khứ. Hoa văn trên cái khiên của đồng bào Tây Nguyên cũng thường xuất hiện trên sản phẩm dệt, nhất là ở các đuôi khố, khăn, áo, dây buộc tóc... hay trong các vật dụng như: cán dao, vỏ bầu, gùi, nia. Trong các lễ hội, đồng bào cũng vẽ những hoa văn thường được trang trí trên chiếc khiên lên cột lễ, tấm ván thưng, lan can nhà rông hay những vật trang trí bằng lát tre, mây treo trên cây nêu. Trong cuốn sách “Miền đất huyền ảo” của Jacques Dournes có nói đến biểu tượng hoa văn này: Hoa văn 8 cánh ở trong, vòng tròn bao quanh bên ngoài bởi các đỉnh tam giác cân, đỉnh vuông 90 độ là biểu tượng của mặt trời. Hoa văn 8 cánh ở trong, vòng tròn bao quanh bên ngoài bởi các hình tam giác nghiêng về bên phải 45 độ là biểu tượng của mặt trăng.

Đồng bào Giẻ Triêng ở Kon Tum tạo ra nhiều loại khiên với kích thước, hình dạng khác nhau. Loại lớn làm bằng gỗ cứng, sắt, đồng dùng để đấu, múa theo phong cách cổ truyền; loại nhỏ làm bằng gỗ mềm, đan bằng tre hoặc sợi mây, thậm chí được làm bằng bìa carton, gắn một cái cán nhỏ để cầm trên tay, giống như bông hoa, chiếc lá, có công dụng như vật trang trí. Với màu sắc và hoa văn, tạo hình độc lạ, chiếc khiên không chỉ là vũ khí mà còn là vật trang sức rất ấn tượng của các già làng, trai tráng khi tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội. Đối với đồng bào, chiếc khiên như báu vật, được cất giữ, trưng bày một cách trang trọng ở nhà rông, nhà gươl (nhà làng truyền thống). Những lúc không dùng đến, khiên được treo trên vách, bề mặt trang trí được phơi ra. Mỗi chiếc khiên như đóa hoa rừng nở rộ khoe sắc, đầy tính biểu cảm.

TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.