Phú Thiện: Hợp tác xã kiểu mới phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX ở huyện Phú Thiện đã bắt đầu làm ăn có lãi, hình thành được chuỗi liên kết giá trị trong việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
Từ khi thành lập vào tháng 8-2018 đến nay, HTX Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho 1,1 ha rau xanh của 9 thành viên với giá thu mua cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg. Trong số này có gia đình ông Hoàng Văn Thủy (tổ 11, thị trấn Phú Thiện). Gia đình ông Thủy có trên 10 năm kinh nghiệm sản xuất rau xanh. Trên mảnh vườn hơn 1,3 sào, ông trồng đủ loại rau từ ăn lá đến ăn quả, ăn củ và đều được sản xuất trong nhà kín theo mô hình rau an toàn. Ông Thủy cho biết: “Trước đây, tôi đã sản xuất rau đảm bảo an toàn, song việc tìm đầu ra rất khó khăn vì chủ yếu bán cho các thương lái, hoặc nhập cho các tiểu thương tại chợ trên địa bàn. Từ khi tham gia HTX Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện, được HTX bao tiêu sản phẩm, gia đình chỉ còn lo tập trung sản xuất rau đảm bảo chất lượng để cung cấp ra thị trường”. 
Hợp  tác xã Sản xuất rau  an toàn thị trấn Phú Thiện  hỗ trợ thành viên sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Đ.P
Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện hỗ trợ thành viên sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Đ.P

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: “Bên cạnh số ít HTX mới chuyển đổi theo mô hình mới còn khó khăn về vốn và kế hoạch kinh doanh dài hơi thì nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế địa phương. Nhiều HTX bước đầu làm ăn có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên, giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành viên với lợi ích của HTX”.

Tương tự, ông Phạm Văn Duyên (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) cũng không phải tính toán tìm đầu ra cho khoảng 1 sào rau xanh kể từ khi tham gia HTX. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông sản xuất khoảng 2 tấn rau ăn lá các loại và đều được thu mua ngay tại vườn với giá ổn định từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg; lúc thấp nhất không dưới 5.000 đồng/kg. “Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, giá cả ổn định; chi phí đầu vào đã giảm đi rất nhiều. Hàng tháng, gia đình thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”-ông Duyên cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc-Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện, HTX đang mở rộng diện tích chuyên canh rau. “Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi hướng dẫn bà con sản xuất theo đúng quy trình Viet GAP gồm 12 tiêu chí, có máy móc kiểm tra. Nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thì chúng tôi thu mua tất cả cho bà con; nếu không đạt thì hướng dẫn bà con sản xuất sao cho đảm bảo”-Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện nói.
Một điểm sáng nữa là HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake). Khi thực hiện theo Luật HTX năm 2012, HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Phú Thiện liên kết với một số doanh nghiệp uy tín để cung ứng các giống lúa mới có chất lượng cao, gạo thơm, dẻo như: DT66, LH12, TBR225, JO2 cho các thành viên HTX và nông dân trên địa bàn đưa vào sản xuất đại trà. Đồng thời, HTX liên kết với một số địa phương trong huyện hình thành 3 cánh đồng lớn một giống sản xuất lúa chất lượng cao. Mỗi năm, HTX thu mua 100-300 tấn lúa cho các thành viên và nông dân trong huyện. Sản phẩm gạo của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu và đã có mặt tại thị trường một số tỉnh, thành trong nước, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai-cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực cùng chính quyền xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” để nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên HTX và bà con nông dân”.
Toàn huyện Phú Thiện hiện có 16 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 787 thành viên, tổng số vốn đăng ký hơn 21 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nội đồng, vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận tải hành khách, hàng hóa... Từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhìn chung, các HTX đều phát huy vai trò trong nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài; đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, các HTX đã kịp thời hỗ trợ thành viên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và là nơi tiếp nhận chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi bò: Khó khăn chồng chất

Chăn nuôi bò: Khó khăn chồng chất

(GLO)- Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bò hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng. Nghịch lý này khiến người nuôi bò ở Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ phải chấp nhận giảm đàn hoặc không tiếp tục nuôi nữa.

Gia Lai nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Gia Lai nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 305 sản phẩm còn trong hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP. Bên cạnh việc xúc tiến, quảng bá tiêu thụ, các chủ thể cũng chú trọng đầu tư nâng tầm sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Thường trực HĐND và UBND thị xã Ayun Pa về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025. Ảnh Hà Duy

Giám sát công tác thực hiện kế hoạch đầu tư công tại thị xã Ayun Pa

(GLO)-Chiều 17-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND thị xã Ayun Pa về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Chính sách tín dụng ưu đãi: Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Chính sách tín dụng ưu đãi: Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã triển khai có hiệu quả Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.