Cần tạo điều kiện để lao động trở lại các tỉnh phía Nam làm việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường việc làm ở các tỉnh phía Nam trở nên sôi động. Tuy nhiên, nhiều lao động ở Gia Lai vẫn chưa sẵn sàng quay lại làm việc vì e ngại dịch bệnh tái diễn. Do đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện để lao động quay lại các tỉnh phía Nam làm việc.
Chưa hết mối lo
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm lưu động tại một số xã của huyện Krông Pa. Tại đây, chúng tôi có dịp trao đổi với một số người từng làm việc tại các tỉnh phía Nam về địa phương tránh dịch. Họ vẫn còn nhiều lo lắng, lưỡng lự khi nhắc đến việc quay lại các tỉnh phía Nam để làm việc.
2 năm qua, vợ chồng anh Rơ Ô Sút (buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok) vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu. Tháng 5-2021 dịch Covid-19 bùng phát, công ty cho công nhân nghỉ việc tạm thời. Sau 4 tháng chờ việc, vợ chồng anh quyết định về quê tránh dịch. Anh Sút cho hay: “Về nhà tránh dịch thì yên tâm nhưng không biết làm gì để có thu nhập. Vừa rồi, công ty thông báo vợ chồng tôi quay lại làm việc. Tuy nhiên, tôi hơi lo vì sợ dịch bùng phát trở lại thì công việc gián đoạn, rồi lặp lại vòng luẩn quẩn như thời gian vừa rồi”.
Tương tự, chị Ksor H’Dla (buôn Toát, xã Ia Rsươm) cho biết: 3 năm qua, chị làm công nhân cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Từ tháng 5, dịch bùng phát, chị thất nghiệp. Khoản tiền dành dụm dùng cho ăn uống, nhà trọ đến cuối tháng 10 thì hết sạch. Vì vậy, chị phải về quê tránh dịch. “Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh về xã tổ chức phiên giao dịch việc làm, tôi nhờ kết nối với doanh nghiệp cũ để quay lại làm việc. Tôi mong dịch bệnh qua mau để còn làm việc, ổn định cuộc sống”-chị H’Dla bộc bạch.
Người lao động huyện Krông Pa đăng ký quay lại các tỉnh phía Nam làm việc tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: Đinh Yến
Người lao động huyện Krông Pa đăng ký quay lại các tỉnh phía Nam làm việc tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: Đinh Yến
Cần cơ chế, chính sách phù hợp
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở tiến hành khảo sát, thống kê và dự kiến trong tháng 11-2021 sẽ có phương án cụ thể để hỗ trợ người lao động trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. “Hiện tại, các địa phương đang khẩn trương thống kê số lượng người quay trở lại nơi cũ làm việc. Tinh thần chung là khuyến khích người lao động quay lại các tỉnh phía Nam làm việc an toàn, 100% lao động đều được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19”-bà Rcom Sa Duyên thông tin.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 10-2021, toàn tỉnh có hơn 42.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Các địa phương dẫn đầu về số lao động trở về gồm: Chư Pưh (6.803 người), Chư Sê (5.283 người), TP. Pleiku (4.364 người) và Chư Prông (3.696 người). 

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Minh-Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh-đề xuất: “Chính sách khuyến khích người lao động quay lại thị trường việc làm các tỉnh phía Nam nên chăng tập trung hỗ trợ tiền ăn ở, đưa đón từ địa phương trở lại nơi làm việc. Bởi lẽ, đa phần lao động ở tỉnh ta đều ở nông thôn, cuộc sống khó khăn, nếu được hỗ trợ sẽ thu hút họ quay trở lại làm việc”. Còn ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì cho hay: “Đơn vị chú trọng kết nối cung cầu giữa người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; đào tạo nghề… để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các phiên giao dịch việc làm về tận thôn, làng để người lao động kịp thời nắm bắt, tham gia tìm được vị trí việc làm phù hợp”.
Đề cập giải pháp tạo việc làm cho người lao động, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: Đối với lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, tỉnh cần nhanh chóng hỗ trợ việc làm tại địa phương hoặc tạo điều kiện để lao động trở lại phía Nam làm việc tại các đơn vị cũ, sống an toàn với dịch. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện dịch vụ việc làm trực tuyến, các phiên giao dịch việc làm về tới thôn, làng để kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Những lao động muốn ở lại quê hương làm việc thì hỗ trợ đào tạo nghề, vốn vay giải quyết việc làm. Đối với lao động có nhu cầu quay lại làm việc tại các tỉnh phía Nam thì lên phương án hỗ trợ cụ thể. Chúng ta phải làm thật tốt vấn đề này để giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, nếu không sẽ dễ dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo gia tăng.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.