Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại trực tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 12-2018 đến nay, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Các buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp không chỉ cung cấp thông tin hữu ích về chính sách, pháp luật BHXH mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
“Mắt thấy, tai nghe”
Tối 4-12-2018, BHXH huyện Đak Pơ đã phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân xã Hà Tam. Tại hội nghị, mỗi người tham dự được cung cấp tờ rơi tuyên truyền ghi rõ các quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, chính sách ưu đãi hỗ trợ mức đóng đối với đối tượng tham gia như: giảm trừ tỷ lệ đóng 30% đối với người nghèo; 20% đối với người thuộc hộ cận nghèo; đối tượng khác được miễn giảm 10%. Các thông tin hữu ích trên đã giúp người dân hiểu thêm về chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, những băn khoăn, thắc mắc của người dân đưa ra tại hội nghị đều được BHXH huyện giải thích thấu đáo.
Tại hội nghị đã có 6 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu từ tháng 12-2018 với các phương thức đóng 1 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Trong đó, có 1 đối tượng là hộ nghèo được miễn giảm mức đóng 30%; 5 đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 10%. Bà Trần Thị Hồng Hạnh-Giám đốc BHXH huyện Đak Pơ-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của BHXH tỉnh, từ đầu tháng 12-2018 đến nay, BHXH huyện Đak Pơ đã phối hợp với Bưu điện huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức 4 buổi đối thoại trực tiếp tại xã Hà Tam, Cư An và thị trấn Đak Pơ; qua đó phát triển thu BHXH tăng 28 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện đến ngày 20-12-2018 lên 89 người. Trong đó, 2 người đóng 1 lần cho 5 năm về sau; 1 người đóng 1 lần cho 2 năm về sau; còn lại đóng hàng tháng, hàng quý, 6 tháng. Trước nay, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện luôn gặp khó khăn nhưng các hội nghị tuyên truyền, vận động trực tiếp gần đây đã tạo hiệu quả khá tốt, thu hút người dân tham gia.
  Tăng cường tuyên truyền, đối thoại, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.N
Tăng cường tuyên truyền, đối thoại, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.N
Đức Cơ cũng là một trong những địa phương tổ chức tốt các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện. Ông Hồ Đức Hạnh-Giám đốc BHXH huyện Đức Cơ-thông tin: Bảo hiểm Xã hội huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện và UBND các xã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện đến người dân trên địa bàn. Thông qua các hội nghị, có 32 người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn lên 70 người. “Việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại như trên cho thấy hiệu quả tích cực và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian đến”-ông Hạnh nói.
Nâng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện
Việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đã phát huy hiệu quả tích cực trong phát triển, nâng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết: Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Bưu điện tổ chức khai thác, phát triển BHXH tự nguyện năm 2018. Để triển khai thành công, trước đó cần tiến hành rà soát, thống kê lực lượng lao động trên địa bàn; phối hợp với Bưu điện xác định khách hàng tiềm năng, trước mắt lựa chọn và mời đối tượng là người lao động bảo lưu thời gian làm việc, lao động có hợp đồng làm việc dưới 1 tháng, cán bộ xã, phường không chuyên trách, hội viên các đoàn thể, lao động tự do có thu nhập... Tùy theo điều kiện cụ thể ở địa phương để tổ chức hội nghị, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Tại hội nghị, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc BHXH các huyện, thị xã, thành phố sẽ trực tiếp tư vấn cho người dân các nội dung theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Đồng thời, cung cấp đầy đủ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền có nội dung liên quan đến chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng… để người dân hiểu, nhận thức được quyền lợi và tham gia.
Theo đó, từ đầu tháng 12-2018 đến nay, 2 ngành đã phối hợp tổ chức được 31 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân tại các huyện, thị xã, thành phố với gần 1.800 người tham gia. Sau các hội nghị, người dân đã hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, tính ưu việt, nhân văn sâu sắc của BHXH tự nguyện và đã có 365 người đăng ký tham gia; trong đó, có 292 người đã nộp tiền. Tính đến ngày 20-12-2018, toàn tỉnh có 1.418 người tham gia loại hình BHXH tự nguyện, đạt 75,22% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, ngành Bưu điện khai thác được 696 người, BHXH các huyện, thị xã, thành phố khai thác được 722 người. “Hiệu quả từ các buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp thể hiện rõ qua số người tham gia BHXH tự nguyện ngay tại hội nghị. Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố mở hội nghị đối thoại với nhân dân để phát triển đối tượng, đảm bảo kế hoạch của BHXH Việt Nam giao”-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Quốc Khánh nhấn mạnh.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.