Khai mạc Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (mở rộng)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 2-12, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) đã khai mạc Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (mở rộng). Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng 50/53 đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV.
 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

Cùng tham dự Hội nghị có các Bí thư Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (không phải là Tỉnh ủy viên); lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các đồng chí: Nguyễn Đắc Dũng-Hàm Vụ trưởng Vụ địa phương III, Văn phòng Trung ương Đảng; Phan Điền-Phó Vụ trưởng Vụ V, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Lê Ngọc Sự-Phó Vụ trưởng Vụ địa phương II-Ban Tổ chức Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin nhấn mạnh: Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cũng là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2010-2015) và là năm chúng ta phải phấn đấu vượt bậc nhằm đạt được một số chỉ tiêu quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh đề ra.

Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi chậm và thiếu ổn định; tái cơ cấu kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn... Những yếu tố trên tác động rất lớn đến tình hình chung của tỉnh do vậy việc xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 sẽ được cân nhắc, tính toán cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh song cũng phải đảm bảo được mục tiêu là giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế, tiếp tục chuyển dịch kinh tế đúng hướng, tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, tăng cường giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin yêu cầu các đại biểu phân tích kỹ đặc điểm tình hình nổi bật của năm 2014, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém đang tồn tại, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Phân tích, dự báo các yếu tố khách quan, chủ quan về những khó khăn, thuận lợi, thời cơ trong năm tới để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cần thực hiện trong năm 2015, nhất là những chỉ tiêu cơ bản, quan trọng mang tính định hướng để làm cơ sở cho HĐND tỉnh bàn và quyết định trong kỳ họp sắp đến.


Hội nghị sẽ diễn ra trong thời gian 1 ngày rưỡi (ngày 2 và sáng 3-12) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2014; thông qua nghị quyết về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015; cho ý kiến đối với Chương trình làm việc năm 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, sau phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin, Hội nghị đã nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu trình bày dự thảo báo cáo ước tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2014 và dự kiến một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.

Đánh giá chung của dự thảo báo cáo nêu rõ: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2014 đã đạt được một số kết quả tích cực. Các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đều đạt so với Nghị quyết đề ra (trong đó 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết, 1 chỉ tiêu không đạt và 3 chỉ tiêu chưa đánh giá).

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp. Thu ngân sách vượt kế hoạch; giá cả thị trường ổn định; xuất khẩu thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2,24 lần so với cùng kỳ năm ngoái; nhiều dự án lớn, quan trọng được khởi công, triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Các vấn đề bức xúc xã hội được xem xét giải quyết; chất lượng dạy và học được nâng lên; chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, không để phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo; hầu hết tội phạm băng, nhóm, hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, lưu động đều bị triệt phá, bắt giữ kịp thời; tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số. Tổ chức diễn tập phòng thủ PT-14 đạt kết quả tốt.

Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, đấu tranh phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng. Việc sắp xếp, bố trí điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực, gắn công tác quy hoạch với công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có sự chuyển biến; chú trọng nâng cao, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, gắn với đoàn kết củng cố và tập hợp quần chúng vào tổ chức. Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử và quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; số vụ vi phạm Luật Phát triển và Bảo vệ rừng tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chất một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng; giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm. Công tác quản lý hành nghề y dược, quản lý dạy thêm, học thêm, bảo quản, sử dụng trang-thiết bị y tế, trang-thiết bị dạy và học chưa tốt, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt. Tội phạm ma túy, tai tệ nạn xã hội tăng về số vụ, có tính chất phức tạp.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp uỷ, lãnh đạo các cấp còn thấp. Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có nơi còn có biểu hiện làm lướt, hiệu quả chưa cao. Hoạt động của các tổ dân vận còn nhiều hạn chế. Công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí hiệu quả còn thấp.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn chậm đổi mới về công tác tuyên truyền vận động, tỷ lệ tập hợp quần chúng vào các tổ chức đoàn thể thấp; công tác nắm tình hình và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chưa đầy đủ, kịp thời. Triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chậm.

Hội nghị cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Duy Khánh thông qua Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2015; nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trình bày tờ trình số 44-TTr/TU ngày 27-11-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu đề, phương châm và Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ và làm công tác tổ chức cán bộ.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Bộ phận Thường trực Tiểu ban Tuyên truyền và Phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII họp triển khai nhiệm vụ

Bộ phận Thường trực Tiểu ban Tuyên truyền và Phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII họp triển khai nhiệm vụ

(GLO)- Sáng 10-9, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Bộ phận Thường trực Tiểu ban Tuyên truyền và Phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 tổ chức cuộc họp để triển khai nhiệm vụ và thống nhất một số nội dung công việc.