Nước về trên cánh đồng làng Vơng Chép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều năm mong đợi, dòng nước từ công trình thủy lợi Plei Keo đã tưới mát cánh đồng xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ước mơ có nguồn nước tưới cho cây trồng trong vụ Đông Xuân của hàng trăm hộ dân xã Ayun đang dần hiện hữu. Niềm tin về những mùa vàng bội thu, về cuộc sống no đủ của bà con nơi đây không còn xa nữa.
Tưới mát ruộng đồng
Tiếng máy nổ xình xịch, từng lớp đất tơi xốp theo ống trục của chiếc máy cày được xới lên chuẩn bị cho vụ gieo trồng. Trên cánh đồng rộng lớn xâm xấp nước, 2 chiếc máy cày thi nhau cày xới. Đây là hình ảnh chưa từng thấy trên cánh đồng làng Vơng Chép từ bao đời nay. 
Cán bộ xã Ayun cày ruộng ở cánh đồng làng Vơng Chép sau khi có nước từ thủy lợi Plei Keo về. Ảnh: Ngọc Sang
Cán bộ xã Ayun cày ruộng ở cánh đồng làng Vơng Chép sau khi có nước từ thủy lợi Plei Keo về. Ảnh: Ngọc Sang
Nằm sâu dưới thung lũng, cánh đồng Vơng Chép mỗi năm chỉ làm được 1 vụ nhưng lúc nào cũng bị thiếu nước trầm trọng. Người dân ở đây luôn đối mặt với tình trạng “đồng khô, người khát”, đa phần họ chỉ biết tận dụng nguồn nước mưa và nước sông suối phục vụ cây trồng. Không có công trình thủy lợi hay các con đập trực nước nên vào mùa khô, nguồn nước ở đây vô cùng khan hiếm.
Chính vì vậy, thông tin về tiến độ xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo luôn được người dân nắm bắt sát sao. Những ngày này, nghe tin nước về cánh đồng làng, ông Kpui Plơk rất phấn khởi. Chuẩn bị từ trước nên khi dòng nước bắt đầu chảy đến chân ruộng, ông đã tiến hành cho máy cày đất ngay. Ông Plơk vui mừng cho hay: “Gia đình tôi có 1 ha đất trồng lúa ở đây. Mọi năm sau khi thu hoạch lúa xong thì ruộng bỏ khô, đợi đến mùa mưa thì mới sản xuất lại. Từ nay, có nguồn nước từ thủy lợi Plei Keo, tôi cũng như người dân làng Vơng Chép sẽ sản xuất được lúa 2 vụ”.
Cùng niềm vui này, ông Kpui Phtet chỉ tay về phía đám ruộng hơn 1 ha gần đó, cười sảng khoái: “Thủy lợi Plei Keo đưa nước về đây cả làng mừng lắm. Mấy hôm nay, tiếng máy cày nổ ầm ầm suốt ngày. Cán bộ xã đã đưa máy về đây giúp dân làng cày, san gạt đất cho các thửa ruộng bằng phẳng rồi hướng dẫn cách làm lúa Đông Xuân”.
Làng Vơng Chép có 30 hộ dân canh táci hơn 10 ha ruộng lúa 1 vụ. Tuy nhiên trước kia việc chủ động nguồn nước tưới hết sức khó khăn, phần lớn dựa vào nước trời. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun Nguyễn Đức Cường cho biết: Tối 16-1, dòng nước đầu tiên của công trình thủy lợi Plei Keo đã về đến khu sản xuất của làng Vơng Chép. Sau 3 ngày nước về, xã đã huy động 2 máy cày ra cày đất cho bà con. “Chúng tôi huy động mọi nguồn lực để cày xới, nước về đến đâu chúng tôi chuẩn bị đất đến đó. Dự kiến, mùng 7 Tết, chúng tôi sẽ bắt đầu hướng dẫn bà con gieo sạ lúa Đông Xuân. Bên cạnh đó, xã còn huy động người dân trong làng làm hàng rào xung quanh khu sản xuất để tránh trâu, bò vào phá”-ông Cường thông tin.
Kỳ vọng nhiều đổi thay
 Ảnh: Ngọc Sang
Ảnh: Ngọc Sang
Xã Ayun hiện có 866 hộ với 3.803 nhân khẩu, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo. Do không chủ động được nguồn nước tưới nên trong quá trình sản xuất nhiều diện tích cây trồng thường xuyên bị hạn, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Do đó, người dân từng ngày mong mỏi dự án thủy lợi Plei Keo hoàn thành và đưa vào sử dụng. 
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Vụ Đông Xuân 2019-2020, tại các làng mà công trình thủy lợi Plei Keo cung cấp đủ nước tưới, UBND huyện đã hướng dẫn người dân mô hình sản xuất lúa nước 2 vụ. Ngoài việc hỗ trợ giống lúa thuần, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông của huyện, UBND xã còn hỗ trợ 2 máy cày phục vụ khâu làm đất của người dân. Trước khi xuống giống gieo sạ, các hộ dân còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp xuống làng hướng dẫn gieo trồng và chăm sóc lúa. 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê khẳng định: Trước khi công trình thủy lợi Pleikeo hoàn thành và đưa vào sử dụng, từ cuối tháng 12, UBND huyện đã họp các ngành và chỉ đạo cụ thể để triển khai hướng dẫn cho bà con làm lúa nước 2 vụ, tăng năng suất; đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuận cho người dân chuẩn bị gieo trồng và hỗ trợ giống, phân bón giúp cho bà con xuống giống kịp thời khi có nước về. “Trước mắt, chúng tôi giao Phòng Nông nghiệp và PTNT khảo sát nguồn nước thủy lợi đã cung cấp được đến vị trí nào để tổ chức cho máy cày làm đất, ưu tiên chỗ nào có nước thì làm trước. Do nguồn vốn hạn chế nên công trình chưa hoàn thiện, hiện chỉ có thể đáp ứng nguồn nước tưới cho khoảng 150 ha. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư thêm kênh nhánh, nối dài hệ thống kênh nội đồng dẫn nước đến chân ruộng cho đến khi nào đảm bảo nước tưới được 500 ha lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn xã Ayun”-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết thêm. 
Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.