Người tiên phong trồng mía mắt mầm ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Lê Công Khoa (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được coi là người tiên phong trồng mía bằng mắt mầm ở Gia Lai. Đây là phương pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 1996, ông Khoa đã lặn lội vào vùng đất đồi xã Ya Hội (huyện Đak Pơ bây giờ) khai hoang đất dọc theo suối Hway để trồng mì và cây ngắn ngày. Khi đã có vốn tích lũy, ông đầu tư trồng mía và mở rộng dần diện tích lên đến 30 ha. Năm 2020, biết Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng giống mía Gia Lai (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) bắt đầu sản xuất giống mía một mắt mầm thay thế cho hom mía dùng trồng lâu nay, ông đã tiên phong đăng ký trồng 6 ha theo phương pháp mới.

Ông Lê Công Khoa bên ruộng mía trồng bằng mắt mầm chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Lê Công Khoa bên ruộng mía trồng bằng mắt mầm chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hồng


Ông Khoa chia sẻ: Ban đầu cũng có mấy hộ đăng ký trồng nhưng chỉ vài sào đến 1 ha. Riêng ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trồng thử nghiệm 6 ha mía một mắt mầm. Trồng mía theo phương pháp này không những kiểm soát được sâu bệnh mà còn tiết kiệm được chi phí đầu tư, trong khi năng suất, chất lượng mía tăng cao. Hiện nay, với hơn 30 ha mía, gia đình ông cung cấp cho Nhà máy Đường An Khê khoảng 2.400 tấn mía nguyên liệu/năm. “Riêng 6 ha mía một mắt mầm bước vào năm thu hoạch thứ 3, năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha, cao hơn so với những diện tích khác 15-20%. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu được khoảng 1 tỷ đồng từ cây mía. Dự kiến trong những vụ tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng mía một mắt mầm và liên kết hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn xã Ya Hội kỹ thuật canh tác mía theo phương pháp mới”-ông Khoa bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng-cán bộ quản lý kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng giống mía Gia Lai: Trồng mía một mắt mầm có nhiều ưu điểm như: cây mọc đều hơn, tiết kiệm giống, kiểm soát được dịch bệnh... so với phương pháp trồng truyền thống sử dụng hom mía. Hiện nay, bà con nông dân khu vực phía Đông tỉnh đã trồng được khoảng 70 ha mía một mắt mầm. Đơn vị đang tiếp tục vận động người dân áp dụng phương pháp trồng mới này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Vườn ươm mía một mắt mầm. Ảnh: Nguyễn Hồng
Vườn ươm mía một mắt mầm. Ảnh: Nguyễn Hồng
Toàn tỉnh hiện có khoảng 33.000 ha mía tập trung tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh được Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai và Nhà máy Đường An Khê đầu tư thu mua. Đặc biệt, 2 đơn vị đang tích cực triển khai phương pháp trồng mía một mắt mầm để nâng cao năng suất và giá trị, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mía.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Những năm qua, mía trở thành cây trồng chủ lực của huyện. Tuy nhiên, do người dân chủ yếu sản xuất theo lối truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Mô hình trồng mía một mắt mầm của ông Khoa tại xã Ya Hội có ý nghĩa tiên phong, mang lại hiệu quả cao. “Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Nhà máy Đường An Khê tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng cách trồng mía mới này ở những chân đất thuận lợi, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cao từ cây mía”-ông Hiệp nói.

Ông Lê Văn Dương-Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Đầu tư nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê-cho hay: “Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng giống mía Gia Lai đã sản xuất và cung ứng mía giống bằng mắt mầm cho người dân khu vực phía Đông tỉnh. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng mía theo phương pháp truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các địa phương trong vùng khảo sát những khu vực có điều kiện thuận lợi về nước tưới để sản xuất mía theo hướng thâm canh. Trong năm 2023, chúng tôi sẽ phối hợp nhân rộng khoảng 100 ha mía theo phương pháp này để xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng bền vững”.

 

NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.