Ngôi nhà thứ hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hôm nay là ngày thứ 14 tôi ở đây. Ngày mai, tôi phải xa nơi này rồi. Tôi thật sự biết ơn các anh rất nhiều. Giữa cơn dịch bệnh ngày càng trầm trọng, nơi đây đã dang tay đón tôi, cho tôi một nơi gọi là nhà”-đó là những lời đầy cảm kích trong bức thư chị Nguyễn Thị Cúc gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung huyện Kbang. 
Khu cách ly tập trung huyện Kbang được kích hoạt từ ngày 24-7 tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, hiện đã bàn giao cơ sở vật chất lại cho nhà trường để bắt đầu năm học mới. Tuy thời gian hoạt động ngắn, lại ở vùng khó nhưng khu cách ly này được tỉnh đánh giá là một trong những cơ sở tốt nhất, có nơi ăn ở thoáng mát, rộng rãi, công tác phục vụ chu đáo. Chính vì vậy, nơi đây đã để lại bao “niềm thương nỗi nhớ” cho các công dân sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Khuôn viên xanh mát của Khu cách ly tập trung huyện Kbang. Ảnh: Lam Nguyên
Khuôn viên xanh mát của khu cách ly tập trung huyện Kbang. Ảnh: Lam Nguyên
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cúc cho hay: Năm 2017, chị xin vào Bình Dương làm nhân viên quầy hàng quần áo ở một siêu thị. Khi dịch Covid-19 bùng phát, quầy hàng tạm thời đóng cửa nên chị quyết định về lại quê nhà ở xã Sró, huyện Kông Chro. Khi đó, chị mong muốn được về khu cách ly ở huyện nhà để tiện cho gia đình tiếp tế thực phẩm, đồ dùng cá nhân. Nhưng do khu này quá tải nên chị được chuyển về Kbang. Nỗi hụt hẫng ban đầu dần được thay thế bởi sự an tâm trước những tình cảm ấm áp, nhiệt thành của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
“Tôi sẽ không bao giờ quên những bữa cơm còn nóng hổi, những sáng dậy dọn vệ sinh chung, bác sĩ đến khám và theo dõi sức khỏe từng người một cách ấm áp. Nơi đây, các anh đã cho tôi cảm nhận được tình yêu thương giữa đồng bào với nhau. Nếp sống lành mạnh mỗi ngày, sự dặn dò nhắc nhở thường xuyên mặc dù nhiều lúc không được “dịu dàng” nhưng tôi biết đó là tấm lòng của các anh. “Thực hiện tốt 5K, không để lây nhiễm chéo, phải đeo khẩu trang kể cả khi đi ngủ”-đó là những câu tôi nghe được nhiều nhất mỗi sớm mai. Ngày mai không nghe được có lẽ sẽ rất nhớ. Một lần nữa xin cảm ơn các anh rất nhiều”-chị Cúc đã nắn nót những dòng như thế khi sắp rời xa nơi tạm trú bất đắc dĩ nhưng đầy tình thương mến.
Cũng dành ngày cuối cùng ở khu cách ly này để viết thư cảm ơn là chị Hồ Thị Thanh Trâm (thị trấn Kông Chro). Là nhân viên một nhà hàng ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), do dịch bệnh diễn biến khó lường nên chị đành về quê tránh dịch. Với chị, những ngày ở khu cách ly là trải nghiệm không mong muốn nhưng lại vô cùng đáng nhớ. Chị viết: “Tôi nhớ rất rõ ngày đầu tiên nhận phòng tại khu cách ly. Công tác chuẩn bị để đón tiếp công dân về cách ly rất chu đáo, cẩn thận từ giường chiếu, chăn màn, vật dụng cá nhân… Qua quá trình tiếp xúc lâu dài với các cán bộ, chiến sĩ, tôi nhận thấy các anh rất gần gũi, cởi mở, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân cách ly có cuộc sống, sinh hoạt thật thoải mái mà vẫn đảm bảo đúng quy định, sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi khi có việc cần. Tại khu cách ly, chúng tôi được phục vụ ăn uống 3 bữa mỗi ngày với phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, món ăn phong phú và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hàng ngày, Ban điều hành khu cách ly còn phát trên loa truyền thông nội bộ để chúng tôi nắm được thông tin”.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, chị Trâm cho hay, có lần, vào lúc nửa đêm, chị chợt bị cơn đau dạ dày hành hạ. Dù khuya khoắt, các chiến sĩ vẫn sẵn sàng đi mua thuốc giúp nhưng không còn nhà thuốc nào mở cửa. Sáng hôm sau, nhận được thuốc từ tay các anh, chị không khỏi xúc động. 
Cán bộ khu cách ly tập trung huyện Kbang trao quà hỗ trợ người nghèo thực hiện cách ly tại đây . Ảnh: Lam Nguyên
Cán bộ khu cách ly tập trung huyện Kbang trao quà hỗ trợ người nghèo thực hiện cách ly tại đây. Ảnh: Lam Nguyên
Cảm kích trước sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, chị Trâm đã gửi lại những dòng thư chân tình: “Biết chúng tôi là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao vì từ vùng dịch trở về nhưng các đồng chí không vì thế mà e ngại, trái lại còn gần gũi hướng dẫn chúng tôi cách phòng dịch, nhắc nhở chúng tôi thực hiện nội quy, hỏi thăm sức khỏe. Tôi viết thư này bày tỏ cảm kích và lòng biết ơn đến các đồng chí. Xin cảm ơn các đồng chí trong đội phục vụ đã giúp chúng tôi trải qua 14 ngày cách ly an toàn”. Chị Cúc cũng động viên đội ngũ chống dịch bằng những lời tâm huyết: “Vẫn biết sự nghiệp chống dịch đầy gian nan, mồ hôi và nước mắt nhưng các anh không ngần ngại tiến lên làm thành lũy bảo vệ mọi người yếu thế. Mong rằng sẽ gặp lại các anh vào ngày Kbang đẹp hơn. Chúc các anh giữ gìn sức khỏe, bảo vệ tốt bản thân để hoàn thành thêm nhiều nhiệm vụ, giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Thương các anh rất nhiều!”.
Trao đổi cùng P.V, Thượng tá Nguyễn Đình Lộc-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kbang-thông tin: Lúc cao điểm, khu cách ly tiếp nhận 243 công dân từ vùng dịch về thực hiện cách ly tập trung, nhưng đến nay chỉ còn 3 người. Sau khi trả mặt bằng cho Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, đơn vị đã bàn giao 3 công dân này cho Trung tâm Y tế huyện để thực hiện cách ly thêm 1 tuần nữa. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị sẽ kích hoạt khu cách ly mới ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. “Chúng tôi thấy mình được động viên rất nhiều từ những lá thư cảm ơn của các công dân. Đây là động lực để chúng tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”-Thượng tá Lộc chia sẻ. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.