Lời cảm ơn từ khu cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vô cùng căng thẳng hiện nay, lực lượng tuyến đầu phải đối diện với nhiều áp lực, vất vả và cả sự hy sinh. Những lá thư, dòng tin nhắn cảm ơn của người dân gửi lại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến chính là “liều thuốc tinh thần” tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sĩ vững vàng ở tuyến đầu chống dịch.
Bức thư gửi lại
“Ở khu cách ly này, tập thể P.16 chúng cháu cũng như toàn khu đều đang nhận được sự chăm sóc tận tình hết mình của các chú. Khi tất cả mọi người đang còn ngon giấc trong chăn ấm thì các chú đã dậy sớm để lo từng bữa ăn cho từng người. Ở nhà, ngay cả người thân khi lo phần ăn cho vài thành viên đã là một áp lực, còn ở đây, các chú rất chu toàn cho hàng trăm người mà không một lời than thở…”-Đó là lời tâm sự chứa đầy tình cảm trong bức thư của chị Lê Thị Nguyệt Ánh (SN 2000, thôn Mỹ Phú, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) gửi các chiến sĩ tại khu cách ly Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê sau khi hoàn thành đợt cách ly tập trung. 
Vì dịch bệnh ngày càng phức tạp nên chị Ánh đã xin nghỉ việc ở Đồng Nai để về Gia Lai. Trong thời gian thực hiện cách ly tập trung, chị Ánh ở cùng phòng với 3 người trở về từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly trở về đoàn tụ với gia đình, chị Ánh đã nắn nót viết lá thư dài 3 trang giấy, gửi gắm tình cảm yêu thương, lời tri ân sâu sắc đến lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly. “Trở về từ vùng dịch, ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, nhưng chính sự chu đáo, làm việc đúng quy trình và thái độ phục vụ ân cần, đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đã giúp chúng tôi vơi đi sự lo sợ dịch bệnh. Tôi đã viết thư để bày tỏ sự cảm ơn, mong cho dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường”-chị Ánh chia sẻ. 
Thượng úy, bác sĩ Lê Thị Hoài Tâm thăm khám sức khỏe cho công dân tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ảnh: Phan Lài
Thượng úy, bác sĩ Lê Thị Hoài Tâm thăm khám sức khỏe cho công dân tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ảnh: Phan Lài
Khu cách ly tập trung Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê được kích hoạt từ ngày 21-6 với 15 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ. Thời điểm đông nhất có hơn 150 người tham gia cách ly nên công việc hết sức vất vả. Thiếu tá Trần Xuân Lượng-cán bộ phụ trách khu cách ly Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê-chia sẻ: “Giúp bà con an tâm khi tham gia cách ly là nhiệm vụ của chúng tôi. Khi đọc những dòng thư của công dân vừa hoàn thành cách ly, chúng tôi cũng rất xúc động vì mọi người được an toàn để trở về nhà. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong khu cách ly, xứng đáng với niềm tin yêu của bà con”.
Trước khi làm thủ tục xuất viện, bệnh nhân T.T.M. (làng Dnâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) đã không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến các y-bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến tỉnh. Bệnh nhân T.T.M. đã nhắn tin vào nhóm Zalo chung của Bệnh viện (nhóm được lập để kịp thời nắm bắt nhu cầu, phản ánh của bệnh nhân nhiễm Covid-19), lời nhắn có đoạn: “Nhìn thấy các y-bác sĩ mệt mỏi phải nằm nghỉ ngoài ghế đá mà muốn rớt nước mắt. Nhờ sự chăm sóc tốt của mọi người, sau 15 ngày điều trị tại bệnh viện, em đã được về với gia đình. Thành thật cảm ơn các chiến sĩ áo trắng!”.
Gửi gắm niềm tin
Ngày 30-7, bệnh nhân T.T.M. phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến điều trị ở Bệnh viện dã chiến tỉnh. Chị T.T.M. tâm sự: “Bị nhiễm SARS-CoV-2, tôi lo lắng, bất an và rất căng thẳng. Đọc thông tin ở TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm ca tử vong vì dịch bệnh nên tôi càng hoang mang. Nhưng khi ở bệnh viện, được các y-bác sĩ điều trị tận tình nên tôi vơi đi nỗi lo sợ. Ngày được xuất viện về nhà, tôi mừng rơi nước mắt và không bao giờ quên tấm lòng của các y-bác sĩ”.
Thạc sĩ Đào Ngọc Quân-Phó Trưởng phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phụ trách Phòng Hành chính-Tổng hợp (Bệnh viện dã chiến tỉnh) chia sẻ: “Hoàn thành điều trị, được trở về nhà không chỉ là niềm hạnh phúc của bệnh nhân mà còn là của các y-bác sĩ. Những lời nhắn động viên của các bệnh nhân đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ còn gian nan phía trước”.
Các nữ quân nhân chuẩn bị bữa cơm cho công dân cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, Giáo dục Quốc phòng-An ninh, Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: Phan Lài
Các nữ quân nhân chuẩn bị bữa cơm cho công dân cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ảnh: Phan Lài
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) cùng 6 giáo viên khác làm nhiệm vụ tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa). Sau khi kỳ thi kết thúc, 1 giáo viên ở điểm thi này dương tính với SARS-CoV-2, thầy Vinh trở thành F1 và phải cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê.
Trong 14 ngày ở khu cách ly, thầy Vinh và mọi người cảm nhận hết nỗi vất vả, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế. Để bày tỏ sự cảm ơn, khi trở về nhà, thầy Vinh cùng các giáo viên, học sinh trong trường góp được 8 triệu đồng để ủng hộ khu cách ly. Thầy Vinh chia sẻ: “Bất ngờ trở thành F1 và vào khu cách ly, dù có chút bất an, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào các cán bộ, chiến sĩ. Nếu thiếu thứ gì các anh đều cố gắng mua giúp, ai cũng nhiệt tình. Với ý thức của người dân và tinh thần trách nhiệm với công việc của lực lượng tuyến đầu, chúng tôi tin dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được đẩy lùi”.
Làm nhiệm vụ ở khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 luôn đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, nhưng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế vẫn không nề hà nguy hiểm, sẵn sàng phục vụ người dân. Hàng ngàn lượt công dân và lực lượng tuyến đầu gặp nhau trong điều kiện bất đắc dĩ vì dịch Covid-19, nhưng tinh thần không ngại nguy hiểm của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đã nhận được tình cảm yêu mến, sự cảm phục của người dân sau những ngày cách ly không thể nào quên.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.