Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1: Tại sao không tranh thủ ý kiến của cộng đồng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dạy học sinh lười biếng, không biết vâng lời. Tùy tiện cắt xén truyện làm mất đầu, mất đuôi. Ngữ liệu làm sách của Việt Nam không thiếu nhưng vay mượn lung tung rồi sử dụng sai mục đích. Sử dụng từ ngữ không phù hợp, lấy phương ngữ một số địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ làm ngôn ngữ chung cho cả nước… Còn nhiều lùm xùm nữa trong thời gian vừa qua xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội về sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dù năm học mới chỉ đi một đoạn đường ngắn.
Sự việc “hai năm rõ mười” như thế nhưng nhà biên soạn, nhà thẩm định, cơ quan quản lý nhà nước thông qua một số diễn đàn, đang cố chứng minh mình… không sai (?). Lối giải thích biện hộ, bỡn cợt, “cố đấm ăn xôi”, chối bỏ trách nhiệm, không thừa nhận sai sót vô hình trung lại như “đổ thêm dầu vào lửa” dư luận. Nhiều ý kiến đòi tẩy chay, thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, tổ chức/người có trách nhiệm trong vụ này phải xin lỗi, từ chức, một phần cũng vì lý do đó. Động thái mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đề nghị Hội đồng thẩm định tiến hành rà soát đồng thời có báo cáo sớm nhất về vấn đề này.  
Phản ứng trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo rõ ràng là chậm nhưng cần thiết và điều quan trọng hơn là thừa nhận SGK Tiếng Việt lớp 1 mới đang… có vấn đề. 
Cải cách giáo dục, mà việc trước tiên là xây dựng chương trình tiên tiến, biên soạn SGK mới là việc xã hội đồng thuận, vì chương trình cũ, sách cũ đã lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu thời đại nói chung, đất nước nói riêng. Nhưng cùng với các chương trình thử nghiệm, không ít lần chúng ta thực hiện cải cách và khi hiệu quả không cao thì tồn tại, hạn chế, sai sót lại tiếp diễn. Sau mỗi lần như thế, tất cả đều không có một tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận lấy trách nhiệm. Song về phía dư luận, chính cơ chế, chính sách với những bất cập đã tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng hình thành sân trước sân sau, lợi ích nhóm để trục lợi, làm méo mó mục đích, chất lượng dự án/sản phẩm. Kiểu làm việc thiếu trách nhiệm, khách quan, minh bạch như vậy thì làm sao có một chương trình tiên tiến, có một bộ SGK chất lượng như mong ước của học sinh, phụ huynh nói riêng, toàn xã hội nói chung.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Để xảy ra sự việc, trước tiên là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và bộ ngành liên quan. Tiếp đến là Hội đồng biên soạn, những người trực tiếp biên soạn và thẩm định. Cũng phải nêu ra trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo được tham khảo lấy ý kiến đóng góp trước khi phát hành, áp dụng rộng rãi…
Nhưng vẫn còn thiếu, đó là khi đề cập đến cơ chế giám sát cần thiết của cộng đồng. Đây là điều người viết muốn nhấn mạnh. Cộng đồng xã hội ở đây không phải là đối tượng mơ hồ, “thấp kém” nào mà là các thành phần, giai tầng, những con người cụ thể, có tri thức, hiểu biết, có kinh nghiệm để tham gia góp ý, xây dựng quá trình làm SGK (không chỉ với bộ SGK Tiếng Việt lớp 1). Chúng tôi không phủ nhận vai trò của các giáo sư, tiến sĩ làm bộ sách này, nhưng tri thức chung của xã hội chắc chắn có đủ tầm để hiểu sách của các nhà biên soạn viết cái gì, hay dở ra sao, bất cập hoặc thái quá chỗ nào, hoặc có chỗ nào không ổn.
Ngay từ lớp 1 mà đã vài ba chục cuốn gồm SGK và sách tham khảo. Giá bán bộ SGK lớp 1 mới đến gần triệu đồng. Con em chúng ta khổ sở khi phải mang chiếc cặp sách nặng đến vẹo cả sống lưng. Xã hội đang đau đầu vì bài toán các cơ sở đào tạo đang tăng học phí, con em hộ nghèo, nhà nông đành gác giấc mơ đại học, cao đẳng thì nay lại thêm “cái vụ” SGK Tiếng Việt lớp 1.  Xem ra, kiểu cách làm giáo dục, làm sách dạy chữ, dạy nghề ở ta còn lắm vất vả, nhiêu khê.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.