Ngọt thơm bánh xoài Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu cộng với sự sáng tạo, người dân Ayun Pa đã làm ra món bánh xoài với hương vị thanh ngọt đặc trưng, là quà biếu thơm thảo dành cho bạn bè, người thân gần xa.
Xoài là loại trái cây đặc trưng của xứ nóng Ayun Pa. Vì đây là loại cây sinh trưởng, phát triển tự nhiên, không tốn nhiều công chăm sóc nên hầu như nhà nào cũng trồng xoài, đến mùa đều sai trĩu quả. Trái nhiều, ăn không xuể nên người dân đem bán nhưng giá xoài chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Nhìn xoài chín rụng đầy gốc cây, nhiều người xót xa nên mày mò tìm tòi cách làm bánh xoài để dành ăn quanh năm, làm quà biếu. Người dân nơi khác đến chơi, ưa thích vị ngọt thơm của bánh xoài nên mua về làm quà. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều người biết đến loại bánh dân dã này.
Bà Lê Thị Liễu (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đang làm bánh xoài. Ảnh: V.C
Bà Lê Thị Liễu (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đang làm bánh xoài. Ảnh: V.C
Để làm ra miếng bánh xoài thơm ngon nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất tốn khá nhiều thời gian và công sức. Bà Lê Thị Liễu (tổ 1, phường Đoàn Kết) cho hay: Đầu tiên phải chọn những quả xoài mủ chín mọng, rửa sạch, gọt sạch vỏ. Trước đây, bà con làm thủ công bằng cách chà quả xoài vào một cái rổ nhựa có lỗ nhỏ cho cơm xoài mịn lọt xuống. Hiện nay, cách làm phổ biến là cho phần cơm xoài vào máy sinh tố xay nhuyễn để tiết kiệm thời gian. Phần xoài sau khi chà hoặc xay nhuyễn được cho vào nồi nấu khoảng 2-3 giờ cho đến khi sền sệt lại rồi đem tráng mỏng ra tấm ni lông lót trên khuôn (đĩa, mâm, nong, nia…) và đem phơi nắng. Gặp nắng to, bánh xoài chỉ cần phơi 2-3 ngày là có thể đưa vào cất trữ. Nếu muốn bảo quản lâu hơn thì có thể cất trong tủ lạnh. Tùy theo sở thích của từng người, khi nấu cơm xoài có thể cho thêm ít mè và gừng tươi giã nhuyễn để tạo mùi thơm hoặc thêm chút bột năng tạo độ dai cho bánh. Bánh xoài ngon có độ mịn vừa phải, màu vàng đượm, khi ăn có vị ngọt thanh. “Ngày trước, mỗi mùa xoài đến, tôi lại tranh thủ làm thật nhiều bánh xoài để dành cho các con ăn. Cây nhà lá vườn không mất tiền mua, chỉ tốn công chút thôi, ăn lại đảm bảo, không sợ đường hóa học”-bà Liễu chia sẻ. Theo bà Liễu, bình quân 22 kg xoài chín mới có thể làm ra được 1 kg bánh xoài. Với giá 120.000-150.000 đồng/kg, bánh xoài được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua làm quà.
Gặp nắng to, bánh xoài giữ được hương vị thơm nồng đặc trưng. Ảnh: V.C
Gặp nắng to, bánh xoài giữ được hương vị thơm nồng đặc trưng. Ảnh: V.C
Hễ vào mùa, chị Trần Thị Thảo (tổ 2, phường Cheo Reo) lại háo hức làm bánh xoài. Không cần mở hàng quán, không bán chợ nhưng bánh xoài của chị ra lò bao nhiêu là người quen lấy hết bấy nhiêu. Với chị, công việc này chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng rất vui khi sản phẩm làm ra được khách hàng đón nhận. Chị tâm sự: “Biết xứ mình nhiều xoài, lại có món bánh xoài đặc trưng nên bạn bè khắp nơi đặt mua rất nhiều, mình làm không xuể. Vì làm từ trái cây sạch, không chất bảo quản, không phẩm màu, không đường hóa học nên mọi người rất ưa thích”.
Nhận xét về bánh xoài Ayun Pa, chị Bùi Thị Mai (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Một lần tình cờ đến chơi nhà bạn ở Ayun Pa, tôi được mời ăn món bánh xoài và thực sự bị lôi cuốn bởi mùi thơm, vị đậm đà của loại bánh này. Từ đó đến nay, cứ mỗi mùa xoài về, tôi lại đặt bạn làm bánh xoài để dành ăn và tặng người thân. Ai cũng tấm tắc khen vì hương vị rất đặc biệt”. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.