Khổ vì ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ tháng 8-2015, khi Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ cao su thuộc Công ty TNHH 30/4 (địa chỉ 609 đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đi vào hoạt động thì cũng là lúc gần 200 hộ dân ở tổ 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm.

  Học sinh khó tập trung vì thường xuyên hít phải mùi hôi tỏa ra từ nhà máy.               Ảnh: N.Y
Học sinh khó tập trung vì thường xuyên hít phải mùi hôi tỏa ra từ nhà máy. Ảnh: N.Y

Theo người dân phản ánh thì khói và hóa chất của nhà máy phát tán nặng mùi nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vốn trước đây sống trọ cạnh nhà máy nhưng chịu không nổi mùi hôi nên bà Nguyễn Thị Nhẫn đã phải đi thuê trọ chỗ khác. Bà Nhẫn cho biết: “Chúng tôi luôn sống trong cảnh ngột ngạt, khó thở, rát cổ họng, lâu ngày thì bị viêm đường hô hấp. Để đối phó, chúng tôi đã đóng kín mít cửa nhưng không thể ngăn nổi khói bụi cũng như mùi hăng hắc của hóa chất. Vào ban đêm, tiếng ồn phát ra từ nhà máy làm người dân bị mất ngủ thường xuyên”.

Ông Nguyễn Văn Sứ (tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi) bức xúc cho biết: “Nước từ nhà máy thải ra có mùi hôi tanh rất khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngay cả buổi tối mùi hôi cũng rất nồng nặc. Nhà nào nhà nấy phải đóng kín cửa nhưng mùi hôi vẫn theo gió len lỏi vào không thể chịu nổi. Nhiều lúc đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang”.

Nỗi niềm của ông Sứ cũng là nỗi niềm chung của nhiều người dân nơi đây. “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng cách giải quyết cũng như trả lời của ngành chức năng chưa mấy thuyết phục. Chúng tôi không bằng lòng với việc trả lời đại khái qua loa rằng nhà máy chế biến gỗ cao su phát tán khói bụi, mùi khó chịu ra môi trường là đúng sự thật nhưng mức độ nằm trong quy chuẩn cho phép… Điều này là chưa đúng sự thật, đề nghị cho kiểm tra lại”-một người dân bức xúc nói.

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cũng thừa nhận trụ sở phường cách nhà máy khoảng 100 mét còn cảm thấy khó chịu về mùi hôi thì người dân sống cạnh đấy đương nhiên phải bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. “Trước kết quả của cơ quan chức năng, phường chỉ còn biện pháp kiến nghị đến các cấp đề nghị giải quyết, tránh bức xúc, khiếu nại kéo dài”-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi nói.

Thời gian qua, việc dạy-học của hơn 1.000 giáo viên và học sinh tại Trường Tiểu học Anh hùng Núp (nằm ngay cạnh nhà máy) và Trường Mẫu giáo Hoàng Lan (cách nhà máy 100 mét) cũng bị ảnh hưởng. “Lớp học lúc nào cũng đóng cửa im ỉm để đối phó mùi hôi nhưng cũng chẳng ăn thua. Học sinh bị viêm họng, viêm mũi, cảm sốt là chuyện bình thường. Ngoài ra, các cháu còn ngại ra chơi vì mùi hôi. Về phần giáo viên thì luôn trong tâm trạng mệt mỏi mỗi khi lên lớp khiến chất lượng giảng dạy phần nào giảm sút”-một giáo viên chia sẻ.

Không chịu đựng nổi tình cảnh ô nhiễm, người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp đề nghị can thiệp nhưng tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Tại Thông báo số 527/PC49 ngày 11-11-2016 của Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) thông báo kết quả trả lời kiến nghị của người dân tổ dân phố 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) có nêu như sau: Qua kiểm tra thực tế thấy nhà máy có đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng nhà máy không thực hiện nội dung trong đề án bảo vệ môi trường; chưa trồng cây xanh trong khuôn viên theo quy định; chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải (mùi, bụi, khói) nên để khí thải (mùi, bụi, khói) phát tán ra môi trường xung quanh… đề nghị khắc phục trong 30 ngày (từ 15-11 đến 15-12-2016) như cam kết.

Mặc dù Phòng Cảnh sát Môi trường đề nghị nhà máy khắc phục trong vòng 1 tháng nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Sáng 3-3, đoàn công tác liên ngành do đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) làm trưởng đoàn tiếp tục làm việc với nhà máy về vấn đề trên.

 Như Ý

Xung quanh những kiến nghị của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra, trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai, ông Nguyễn An-Giám đốc Công ty cho biết: Hiện đơn vị đang tiến hành trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy và xây dựng hệ thống xử lý khí thải… Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ nhưng dự kiến đến cuối tháng 7-2017 thì mới hoàn thành.

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.