Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch Lái xe của Công ty TNHH vận tải ô tô Gia Lai: Có dấu hiệu bất minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai tiếp nhận đơn khiếu nại và tố cáo của ông Trần Quốc Hải-giáo viên dạy thực hành tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch Lái xe của Công ty TNHH vận tải ô tô Gia Lai về việc Trung tâm này không thực hiện đúng quy trình đào tạo, lạm thu của học viên và vi phạm đến quyền lợi của người lao động. Từ những nội dung trên, qua xác minh cho thấy Trung tâm này có dấu hiệu bất minh…

Cắt xén chương trình đào tạo

 

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Theo đơn của ông Trần Quốc Hải, những năm qua, tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch Lái xe của Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai không tổ chức dạy lý thuyết cho học viên theo học ở đây mà chỉ đến khi kiểm tra kết thúc cuối môn học, học viên nộp tiền để được hoàn thành bài kiểm tra. Sau ngày khai giảng, Trung tâm tự ý thu thêm của học viên 500 ngàn đồng (ngoài học phí) gọi là tiền xếp lớp; để hoàn thành bài kiểm tra 5 môn lý thuyết mỗi học viên phải nộp thêm 50 ngàn đồng và đến bài kiểm tra cuối khóa thì thu thêm 100 ngàn đồng gọi là phí tốt nghiệp. Tất cả các khoản thu này đều không có hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, ông Hải cũng tố cáo Trung tâm vi phạm quyền và lợi ích của người lao động khi không chi trả lương cho ông trong tháng 1 và tháng 2-2015 cũng như 50% lương các tháng còn lại của năm 2015 và lương tháng 1, tháng 2-2016.

Trên cơ sở thu thập chứng cứ, ngày 18-3, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đoàn Đức Lập-Giám đốc Trung tâm và ông Lê Quang Dưỡng-Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch Lái xe của Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai. Tại buổi làm việc, khi chúng tôi đề cập về việc dạy lý thuyết của Trung tâm không đúng theo quy trình đào tạo như ông Hải đã tố cáo, ông Dưỡng thừa nhận: “Trong xu hướng xã hội hóa, số học viên tự nghiên cứu lý thuyết tại nhà cũng tương đối nhiều (khoảng 50%). Chỉ đến trước ngày kiểm tra học viên mới xuống Trung tâm thường xuyên…”. Khi chúng tôi hỏi, nếu học viên không đến lớp mà tự nghiên cứu tài liệu cũng được dự thi thì ông Dưỡng cho rằng: “đó là chỉ với bằng lái xe hạng B1 (đúng theo quy định-P.V)… Còn với các bằng lái xe hạng khác, trong hợp đồng đào tạo của Trung tâm với học viên có quy định, nếu nghỉ quá 20% thời lượng, học viên sẽ không đủ điều kiện dự thi…”. Thế nhưng, cũng vấn đề này, ông Lập lại cho rằng: “Học viên tự ôn với hạng B2 cũng được, chỉ cần đến lớp 40% đến 50% thời lượng, còn lại học viên cũng có thể nghiên cứu tại nhà…”. Trong khi đó, Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, ngày 7-11-2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, tại khoản 2, Điều 9 đã quy định: “Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo theo quy định”. Vì vậy, việc ông Lập cho rằng học viên đến lớp học lý thuyết chỉ cần 40% đến 50% thời lượng cũng được là vi phạm quy định.

Bất minh trong thu tiền học phí

Còn vấn đề ông Hải tố cáo việc lạm thu của Trung tâm, tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Đoàn Đức Lập khẳng định: “Việc thu 500 ngàn đồng ban đầu chúng tôi không biết, nhưng khi xác minh chúng tôi biết được là do ban cán sự lớp thu để làm quỹ lớp… Còn việc thu 100 ngàn đồng và 50 ngàn đồng là vu khống, kế toán không thu gì ngoài quy định mức học phí của Nhà nước… và những khoản thu đều có hóa đơn chứng từ…”. Tuy nhiên, theo những chứng cứ chúng tôi có được, trong cuộc gặp vào ngày 11-3 giữa ông Lập và ông Hải để vận động ông Hải rút lại đơn kiện, thì việc thu tiền của học viên khác với những gì ông Lập đã trả lời với chúng tôi. Trong đoạn băng ghi âm cuộc làm việc này, ông Lập đã thừa nhận với ông Hải: “Mày dở lắm… anh chẳng giấu giếm gì đâu. chú kiện anh mấy vấn đề đó có đúng không? đúng hết! Anh kiểm tra lại các thứ cũng đúng, nhưng mà thu mục đích gì thì về mặt pháp lý anh không ra lệnh thu. Tất cả các khoản thu đều không có giấy tờ, cái nào có phiếu thu thì thể hiện trên giấy tờ… em kiện cái đó cũng được, cũng đúng, nhưng nhìn vào toàn bộ sự việc anh cũng không ra lệnh thu cái này, cái kia thì nó cũng tự giác đưa… em làm như vậy đối với anh cũng không có gì to tát cả… mình tư nhân chứ đâu phải nhà nước đâu mà sợ mất chức, mất quyền…”. Riêng việc ông Hải tố cáo Trung tâm vi phạm quyền và lợi ích của người lao động khi không trả lương cho ông hơn một năm qua là điều đã quá rõ ràng. Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Đoàn Đức Lập cũng đã công nhận và cho biết đã trả hết lương cho ông Hải vào ngày 16-3.

Với những bằng chứng mà chúng tôi đã thu thập được, có thể thấy tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch Lái xe của Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai có nhiều biểu hiện bất minh trong công tác đào tạo và thu phí của học viên. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc làm rõ để chấn chỉnh những sai phạm.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.