Đưa tranh vẽ lên... trang phục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo, chị Nguyễn Thanh Nhàn đã chọn cho mình một hình thức kinh doanh khá độc đáo là vẽ tranh trên trang phục, góp phần tạo phong cách mới lạ từ sự kết hợp hài hòa giữa hội họa và thời trang.
Mới đây, chúng tôi ghé thăm cửa hiệu mang tên Thanh Nhàn nằm ở nhà số 141, đường Trường Chinh, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Trong cửa hiệu luôn treo sẵn những bộ váy và áo dài đã được vẽ tranh để khách tham quan hoặc có thể đặt mua sản phẩm. Chị Nhàn tâm sự: “Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa của Trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2012. Thay vì về quê ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), tôi ở lại Huế lập nghiệp với phòng tranh riêng. Thời điểm ấy, các phòng tranh mọc lên khá nhiều. Thấy khó cạnh tranh với thị trường, tôi quyết định rẽ hướng sang vẽ tranh trên trang phục. Đến năm 2016, tôi lập gia đình rồi chuyển vào Gia Lai sinh sống và mở cửa hiệu này”-chị Nhàn tâm sự.
Chị Nguyễn Thanh Nhàn vẽ tranh lên trang phục để bán. Ảnh: P.L
Chị Nguyễn Thanh Nhàn vẽ tranh lên trang phục để bán. Ảnh: P.L
Những sản phẩm đầu tay được chị vẽ trên trang phục của chính mình và khi đưa lên trang Facebook cá nhân đã nhận được nhiều lời khen ngợi về sự sáng tạo, độc đáo. Dần dà, chị nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng. Những họa tiết hoa cỏ, công phượng hay danh lam thắng cảnh… đã khiến các bộ trang phục trở nên sống động, mang sắc thái riêng biệt. “Vẽ trên áo dài khó hơn trên giấy gấp nhiều lần, đặc biệt là với chất liệu lụa. Vì nó mịn, trơn láng nên khi vẽ phải chậm rãi, tỉ mỉ, tập trung cao độ, cẩn thận từng đường nét để không bị lem màu làm hỏng tác phẩm cũng như phục trang của khách”-chị Nhàn chia sẻ.
Để vẽ trên áo, chị Nhàn chọn sơn acrylic có đặc tính không phai, không nhòe, nhanh khô và không có mùi khó chịu; các loại cọ vẽ cũng phải phù hợp với từng loại vải. Trước khi vẽ, chị lên ý tưởng trên giấy; sau đó trải trang phục lên bàn, căng các góc cho phẳng phiu rồi phác thảo lại ý tưởng lên vải bằng phấn. Công đoạn tiếp theo, chị vẽ một lớp lót màu trắng rồi mới vẽ chi tiết từng hoa văn, họa tiết. Khi vẽ phải cân chỉnh chủ thể chính-phụ sao cho cân đối, đây là công đoạn quan trọng để tác phẩm có hồn. Vẽ xong thì dùng máy sấy cho nhanh khô không bị loang màu. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chị Nhàn phải vẽ 1-2 ngày, thậm chí 1 tuần, tùy mức độ khó dễ. Khi bàn giao sản phẩm, chị Nhàn cũng lưu ý khách hàng nên giặt tay và không dùng nước tẩy để áo được bền màu. Tùy thuộc vào chất liệu, độ phức tạp của tác phẩm trên trang phục mà chị lấy tiền công từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Ngoài vẽ váy, áo, chị Nhàn còn vẽ cả nón, túi xách, khăn, giày... cho khách có nhu cầu.
Nghệ thuật sắp đặt đá cuội được thể hiện trên bức tranh. Ảnh: P.L
Nghệ thuật sắp đặt đá cuội được thể hiện trên bức tranh. Ảnh: P.L
Với sự sáng tạo, trau chuốt trong từng tác phẩm, chị Nhàn đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Xuân Hiền-cán bộ Trạm Y tế xã Dun (huyện Chư Sê) là khách hàng thường xuyên của tiệm vẽ áo Thanh Nhàn. Chị Hiền nhận xét: “Chị Nhàn có khiếu thẩm mỹ rất cao, mỗi sản phẩm tôi đem tới đều được chị tư vấn màu, cách phối màu cho hài hòa. Tranh vẽ trên váy, áo dài đều rất có hồn và không “đụng hàng”. Những bộ trang phục có nét vẽ tay của tôi luôn được đồng nghiệp khen ngợi”.
Ngoài ra, chị Nhàn còn rất sáng tạo khi vẽ tranh lên các viên đá cuội. “Những vật vô tri vô giác nếu có sự đầu tư thì sẽ trở thành tác phẩm bắt mắt, sống động”-chị Nhàn vừa nói vừa đưa cho chúng tôi xem những tác phẩm tí hon trên đá cuội. Mỗi bức tranh có một chủ đề khác nhau, mang sắc thái rất riêng biệt nên phải lựa chọn những viên đá cuội phù hợp, dùng sơn acrylic phủ trắng, phơi khô và vẽ màu chi tiết lên trên. Để có 1 bức tranh hoàn chỉnh, họa sĩ không chỉ vẽ trên đá mà còn phải trang trí nền sao cho hài hòa. Sau khi vẽ nền xong, chị Nhàn dùng keo nến đính viên đá cuội đã vẽ lên vị trí đã chọn và đóng khung. Chị Nhàn cho biết: “Mình đặt mua đá cuội tại một cửa hàng ở Hà Nội. Tùy vào chủ đề của bức tranh để lựa chọn những viên đá cuội phù hợp. Có khi trong hàng trăm viên nhưng chỉ chọn được vài viên ưng ý. Vẽ tranh trên đá cuội khá đơn giản, người có năng khiếu chỉ cần học thêm một chút là đã tạo được một bức tranh đẹp”. Giá bình quân của mỗi bức tranh đá cuội khoảng 50-100 ngàn đồng.
Những sản phẩm vẽ tay trên trang phục hay trên đá cuội do chị Nhàn thực hiện đều thủ công nên rất sống động, không rập khuôn. Mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo, chất chứa bao tâm huyết của người nghệ sĩ. Dù số lượng đơn hàng nhiều nhưng chị Nhàn quyết không chạy theo số lượng mà luôn kỹ lưỡng để đem đến những sản phẩm ưng ý cho khách hàng.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.