Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bay theo những ngọn gió Hua Tát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội chiều 20.3, thọ 71 tuổi.
 
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường vẽ đĩa gốm tặng bạn bè. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường vẽ đĩa gốm tặng bạn bè. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Hiện tượng văn học gây chia rẽ
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vẫn nhớ thời điểm truyện ngắn Tướng về hưu ra mắt bạn đọc hồi năm 1987. “Trước đó, ông Nguyễn Huy Thiệp đã có 2 truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ nhưng không ai biết. Nhưng Tướng về hưu lại khác. Nó được in khi Báo Văn nghệ rất ít người đọc, phải tính gộp số rồi nghỉ. Rồi câu chuyện bùng lên”, ông Nguyên nhớ lại.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20.4.1950, quê quán Thanh Trì, Hà Nội.

Ông tốt nghiệp Khoa Sử, ĐH Sư phạm. Trước khi viết văn chuyên nghiệp, ông là giáo viên ở miền núi phía bắc trong 10 năm.

Xuất hiện muộn trong làng văn, ông ngay lập tức gây tranh cãi vì văn phong và quan điểm sống trong tác phẩm. Dù có viết kịch, làm thơ, xuất bản tiểu thuyết, nhưng lĩnh vực mà ông thành công rực rỡ là truyện ngắn. Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là các truyện ngắn, với đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

Tên tuổi của ông gắn với các truyện ngắn: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… Đã có 3 bộ phim Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu được dựng dựa trên truyện ngắn của ông.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008).

Tháng 3.2021, ông được Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Theo ông Nguyên, thậm chí còn không thể dùng từ khác lạ để nói về hiện tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp khi đó. Ông Nguyên gọi đó là sự đột biến gây chia rẽ của văn học trong nước. “Truyện ngắn của ông chia rẽ nhà văn và nhà phê bình, chia rẽ nhà văn với nhà văn, chia rẽ nhà văn với độc giả và cả chia rẽ độc giả với độc giả. Ông viết mỗi truyện một cách viết, mỗi truyện một mới mẻ. Do đó, cứ truyện của ông xuất hiện là gây đối cực. Trong khi văn chương lúc đó rất bình bình già cũ”, ông Nguyên nhớ lại.
Lượng bài viết “mổ xẻ” nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng vô cùng lớn. Có thể nói, ngày nào công chúng cũng chờ đợi truyện ngắn của ông xuất hiện, chờ đợi cả những nhận định về sáng tác của ông nữa. Sau này, năm 2001, ông Nguyên đã gom những bài viết đó thành cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. “Cho đến lúc đó người ta vẫn đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Độc giả, phê bình đều nháo nhác đi tìm. Họ đọc mà không chắc đã hiểu văn chương của ông”, ông Nguyên nói. Cuốn sách ngay sau đó bán rất chạy.
Khuôn mặt hậu chiến
Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Thiệp có nói lại về Tướng về hưu. Theo đó, quân khu thủ đô cho tướng tá họp lại xem phim Tướng về hưu, rồi có một ông nói có điều đúng là tướng cũng phải về hưu. Sau đó, mọi người họp bàn xem tướng về hưu thì thế nào và tiêu chuẩn phân nhà ra sao. “Theo tôi biết, truyện ngắn Tướng về hưu ra đời trước khi có chế độ về hưu của các tướng”, ông Thiệp khi đó nói. Câu chuyện thời hậu chiến được chạm vào như vậy.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng thời điểm đó đọc truyện của ông Thiệp có cảm giác thách thức tư duy. Trước đó, độc giả quen đọc tác phẩm thiên về cảm hứng sử thi, đọc ta thắng địch thua hay những nhân cách lồng lộng. Họ có nhu cầu tìm những câu chuyện, những cách giải thích xã hội khi có cái xấu cái ác diễn ra trước mắt mà không biết sao lại như thế. “Truyện của ông Thiệp làm người ta có cảm giác hình như trong đó có lời giải như thế. Đôi khi nó gợi cảm giác tàn nhẫn, không có lối thoát nào. Nhưng người ta vẫn cảm thấy nhà văn đã hiểu được mình để đưa ra những giải thích đấy”, ông Quý nói. Ông Thiệp đã cung cấp những nhãn quan đó với một ngôn ngữ rất thanh đạm và nhuần nhị, đôi lúc làm người đọc thấy nao nao.
Nhà phê bình - TS Mai Anh Tuấn phân tích về truyện của Nguyễn Huy Thiệp: “Cùng với vô nghĩa, thì cay đắng, đau đớn là sự trỗi dậy của một phần tri giác tưởng như đã khuất lấp sau nhiều năm tháng văn học chỉ dành cho những phát hiện ở tầm vĩ mô, bao quát có thiên hướng ngợi ca, khẳng định. Không cùng trường ngôn ngữ chỉ phẩm tính anh hùng, vinh quang, vĩ đại nhưng cay đắng, đau đớn là cần thiết để tiết lộ khuôn mặt tinh thần của xã hội hậu chiến đang hỗn dung nhiều cảm xúc trái chiều”.
PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng nếu truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là đỉnh cao của ông thì tiểu luận cũng rất hay. Hơn thế nữa, với tiểu luận, ông Thiệp còn cho thấy khả năng tự vấn.
Tháng 3 vừa rồi, sau nhiều năm là tác giả được dịch rất nhiều tác phẩm ra tiếng nước ngoài, Nguyễn Huy Thiệp mới được đề xuất xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Vĩnh biệt ông, dù thế nào, người cũng đã bay theo những ngọn gió Hua Tát. “Ở cõi ấy chắc ông đã gặp bà, gặp cả vị tướng về hưu của mình. Chắc là ông đã tìm thấy Con gái thủy thần rồi!”, PGS-TS Thạch cảm thán.
Theo Trinh Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.