Nhà văn Kim Lân với Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho đến bây giờ, sau khi đã dự và tham gia tổ chức vài chục trại sáng tác thì tôi mới có đủ cơ sở khẳng định rằng, trại sáng tác do Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum tổ chức năm 1985 là thành công nhất trong số những trại mà tôi tham gia. Tôi được phân công ra Sân bay Pleiku đón bác Kim Lân và bác Mạc Phi.
Hồi ấy nghèo lắm, mà chả hiểu sao ông Trưởng ty Trịnh Kim Sung lại mời được nguyên cả “một chùm sao” vào hướng dẫn và giảng bài cho cái trại sáng tác bé tẹo chúng tôi. “Chùm sao” ấy gồm: Kim Lân, Mạc Phi, Hữu Thỉnh, Nguyễn Kiên, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Võ Thanh An, Phạm Đình Ân, Bùi Công Hùng... Lúc bấy giờ, tôi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa, ra trường và lên Pleiku nhận công tác được 4 năm, đang là cây bút trẻ, tập tọng viết, đầy mơ mộng sách vở... đủ thấy tôi “choáng” đến như thế nào khi gặp các “đấng”, các “bậc” kể trên. Tôi được phân công ra Sân bay Pleiku đón bác Kim Lân và bác Mạc Phi bằng xe Jeep. Cứ rón ra, rón rén nhưng té ra hai cụ lại rất vồn vã và... ngơ ngác, hỏi tôi đủ thứ, lên kế hoạch bắt tôi đưa đi thăm thú các nơi ngay. Nhà văn Mạc Phi là tác giả tiểu thuyết “Rừng động” nổi tiếng, đặc biệt là người dịch Xống Chụ Xôn Xao, là người Kinh nhưng gắn bó với người Thái Tây Bắc gần như cả đời; nên mời ông vào với ý định là ông sẽ dạy cho anh em cầm bút Gia Lai cách học, cách viết về dân tộc thiểu số.
Cái trại ấy háo hức chờ ngày nhà văn Kim Lân lên lớp. Thì phàm là học trò năm nào mà chả học chả thi “Làng” với lại “Vợ nhặt”. Giờ thì ông ấy đây, cha đẻ của “Làng”, của “Vợ nhặt”, của “Con chó xấu xí” đây. Nhưng quái lạ, sao mà ông ấy hiền lành thế. Cụ đứng nghiêng nghiêng, sau ngồi xuống và rủ rỉ nói. So với nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện hôm trước thì cuộc hôm nay nó khác lắm. Ông Hữu Thỉnh hùng biện, khúc triết, lên bổng xuống trầm, nồng nàn hừng hực mà cũng đau đáu xót xa, có một trại viên khóc nức nở làm cho mấy người ngồi nghe rơm rớm theo. Mà ông Hữu Thỉnh nói chuyện hay thật, bao giờ cũng rất cuốn hút người nghe. Cụ Kim Lân thì trái lại. Rất minh triết nhưng phải nghe bằng một tâm thế thực sự cầu thị, bởi cách nói và những điều cụ nói là những điều sờ sờ trước mắt ta, cụ quan sát rồi “phổ biến”, nghe xong cứ ớ ra, có thế mà không biết. Rồi cụ kể về các “đấng” khác, bạn bè cùng lứa với cụ, những là Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân... các bậc ấy dưới cách kể của cụ nó vừa kinh dị vừa... đời thường, vừa hoành tráng. Có rất nhiều điều chúng tôi chỉ mới nghe mà không hiểu, hỏi Kim Lân, cụ vui vẻ nói ngay.
Nhà văn Kim Lân và tác giả. Ảnh:
Nhà văn Kim Lân (bìa phải) và tác giả. Ảnh: Hoàng Hương Giang 
Nhưng điều mà cụ tâm đắc, kể một cách say sưa, kể mãi không chán, ấy là chuyện cụ... đóng phim. Cụ rất thích đóng phim, nhưng cụ cũng bảo: “Đoàn phim nó ô hợp lắm, phức tạp lắm, mà anh nhà văn lại cứ hay để ý, quan sát, thế nên là... buồn. Đi đóng phim là chỉ để cho vui, thế mà lại buồn thì còn nói chó gì nữa hả ông?”. Cụ cười, cái cười rất tươi bảo rằng, buồn thì buồn thế, nói thì nói thế, nhưng nếu có ông đạo diễn nào đấy hạp cạ, mời là cụ lại đi. Thực ra, không phải vai nào của cụ cũng hay. Tôi có lần thưa với cụ: Cháu thấy bác có cái vai gì đóng ở Buôn Ma Thuột ấy, nó... nhợt nhạt lắm. Cụ bảo: “Thôi anh đừng nhắc nữa (Cụ toàn gọi bọn nhóc ít tuổi chúng tôi bằng anh), tôi có dám xem lại đâu. Nhưng bù lại thì tôi được... đi chơi. Ông giời chẳng cho không cái gì anh ạ. Được đi chơi thì vướng phải vai nhạt. Mà nghĩ cho cùng, tôi được mỗi vai lão Hạc. Hôm ở Buôn Ma Thuột, vào chợ, có người kêu ầm lên: Lão Hạc, thế có bỏ bố tôi không?”.
Hồi vào làm cái trại ấy, cụ Kim Lân đọc một loạt truyện ngắn của anh chị em viết văn Gia Lai, trong đấy cụ để công vào sửa và góp ý rất nhiều cho cái truyện ngắn “Ông Wai” của tác giả Ksor Yin, người dân tộc Jrai, là giáo viên cấp III. Cái truyện ấy sau được in một cách oai vệ ở báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Nhưng đấy là cái truyện đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, sau này là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Cụ cũng khen truyện ngắn của Ngô Thị Hồng Vân, sau đấy, cô này quyết định để chồng và hai con ở nhà, đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi bỏ dở và bây giờ là chủ một doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Chiều chiều, sau khi ăn cơm ở bếp ăn tập thể, tôi đưa cụ đi thăm Pleiku, đi bộ. Hồi ấy Pleiku nghèo và buồn. Chỉ có khu vực Diệp Kính là còn có vẻ có sinh khí, nhưng cứ tầm bốn năm giờ chiều là “chị em ta” đã ra đứng đầy. Có hôm tôi, cụ Kim Lân, cụ Mạc Phi đang đi thì có mấy “em” tới chào. Cụ Mạc Phi hồn nhiên cứ tưởng dân Pleiku hiếu khách nên đứng nói chuyện. Tôi nói nhỏ với cụ Kim Lân, tức thì cụ lại kéo tay Mạc Phi phăm phăm đi, vừa đi vừa rên rỉ: “Đi đi ông ơi, về tôi kể cho...”. Về Nhà khách Ty Văn hóa, nói rõ với cụ Mạc Phi đấy là ai, cụ cứ tròn mắt: “Thế à, thế à? Ghê nhỉ”. Cụ Kim Lân thủng thẳng: “Ghê gì đâu ông, họ khổ hơn ta mà”.
Sau này, tôi còn được nhiều lần gặp cụ, có lần ở với cụ tới 15 ngày ở nhà sáng tác Đại Lải và cụ vẫn nhắc với tôi về ấn tượng với Pleiku dù tôi cứ xuýt xoa là hồi ấy còn nghèo quá, rước các cụ vào mà để các cụ khổ quá (cái nhà khách ọp ẹp kê giường xin xít năm sáu cái giường toàn các bác nhà văn lừng danh ngả lưng cả tuần, cơm thì ăn ở nhà ăn tập thể của Ty Văn hóa. Ăn chiều xong, xuống nhà tôi cũng trong khu tập thể uống trà, mà nhà tôi hồi ấy cũng chả có gì, cái ly uống trà cũng thiếu dù nó chỉ là loại ly thủy tinh thổi thủ công còn rõ bọt và màu đục chứ không trong). Hôm Đại hội Nhà văn ở Hội trường Ba Đình, thấy cụ đã yếu lắm, chống gậy đi tập tễnh trong hội trường, tôi đỡ cụ về ghế, hỏi cụ nhận túi tài liệu và quà chưa? Cụ bảo, chưa, chả biết ở chỗ nào. Tôi bảo cụ ngồi đây để tôi ra lấy. Tôi ra ký nhận cho cụ xong mang vào và mừng nhất là cụ vẫn còn nhớ tên tôi... và đấy là lần cuối cùng gặp cụ.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.