Ảnh ý tưởng: Sáng tạo đi đôi với trách nhiệm xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ phản ánh cái đẹp đơn thuần, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ngày càng ý thức rất rõ trách nhiệm xã hội đi đôi với chức nghiệp. Và, thể loại ảnh ý tưởng đã “chắp cánh” cho họ thỏa sức sáng tạo, từ đó truyền tải những thông điệp đang được cả xã hội quan tâm.

1. Năm 2022 là năm thứ 2 Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đưa thể loại ảnh ý tưởng vào Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm ảnh ý tưởng được trưng bày và trao giải thưởng cho thấy những thể nghiệm mới, ý tưởng độc đáo thể hiện suy nghĩ, quan điểm của người nghệ sĩ trước nhiều vấn đề “nóng” trong cuộc sống và giá trị chân-thiện-mỹ. Tại Gia Lai, nhiều tác giả cũng quan tâm, thử sức ở thể loại này và gặt hái một số thành công nhất định.

Tác phẩm tiêu biểu thuộc thể loại ảnh ý tưởng của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hòa Carol.
Tác phẩm tiêu biểu thuộc thể loại ảnh ý tưởng của NSNA Hòa Carol.


Tại cuộc thi năm 2022, Hội đồng nghệ thuật đã chọn 250 tác phẩm của 187 tác giả trưng bày tại triển lãm; trong đó, thể loại ảnh hiện thực có 232 tác phẩm, thể loại ảnh ý tưởng có 18 tác phẩm. Về thể loại ảnh ý tưởng, Hội đồng nghệ thuật chỉ trao 3 giải khuyến khích (không có vàng, bạc, đồng) và Gia Lai có 2 tác phẩm đạt giải gồm: “Ước mơ vùng cao” của tác giả Trần Văn Hùng (Hùng Hoa Lư) và “Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe” của tác giả Nguyễn Ngọc Hòa (Hòa Carol).

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hòa Carol chia sẻ: Ảnh ý tưởng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý tưởng sáng tạo và hình thức thể hiện thông qua các thủ pháp, phương tiện kỹ thuật của nhiếp ảnh. Nghĩa là, ảnh ý tưởng chấp nhận sự dàn dựng, phi thực tế, miễn là thông điệp truyền tải đủ mạnh mẽ, sắc bén, rõ ràng. Điều này phá vỡ quy chuẩn của nhiếp ảnh Việt Nam lâu nay là không chấp nhận sự can thiệp của kỹ thuật vào tác phẩm. Chính sự sáng tạo không giới hạn mà thể loại ảnh này mang lại đã khích lệ anh gửi tác phẩm tham gia dự thi.

Không ít người giật mình khi ngắm tác phẩm “Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe” của NSNA Hòa Carol. Trong ảnh là đôi vợ chồng vô tư sử dụng điện thoại khi đang lái ô tô ngang qua khu vực trường học. Họ không hề hay biết rằng, hành động đó trực tiếp đe dọa đến tính mạng cô bé học sinh đang qua đường. Vẻ thảng thốt của cô bé qua đôi mắt lộ vẻ kinh hoàng in ở gương chiếu hậu trong xe ô tô khiến người xem thót tim. Thông điệp mạnh mẽ từ tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem, đó là nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Trước đó, tại Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020, NSNA Hòa Carol cũng từng đạt huy chương đồng thể loại ảnh ý tưởng với tác phẩm “Nỗi đau bên trong cổ”, phản ánh tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, anh còn có 2 tác phẩm được chọn triển lãm liên quan đến chủ đề dịch Covid-19, trong đó bức ảnh chụp một em bé ngồi giữa vỏ trứng giơ tay nhận chiếc khẩu trang mang lại những cảm xúc thú vị, tái hiện một thời kỳ mà đến trẻ con mới chào đời cũng phải quan tâm đến khẩu trang. “Tuy là ảnh photoshop nhưng vẫn phải chỉn chu từ ánh sáng, bố cục cho đến màu sắc, tỷ lệ, đòi hỏi kỹ thuật “cao tay”. Có như vậy mới giúp truyền thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, lan tỏa đến mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội”-NSNA Hòa Carol cho hay.

2. Không chỉ thu hút những NSNA trẻ tuổi, năng động, thể loại ảnh kén người chơi này còn hấp dẫn nhiều tay máy kỳ cựu ở Gia Lai. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư là một trong số đó. “Có thể chụp nhiều tấm, nhiều bối cảnh rồi cắt ghép bằng kỹ thuật photoshop nhưng phải khéo léo, làm sao để người xem bị thuyết phục ý tưởng gửi gắm  trong đó”-NSNA Hùng Hoa Lư chia sẻ bí quyết.

Tác phẩm “Ước mơ vùng cao” của NSNA Hùng Hoa Lư.
Tác phẩm “Ước mơ vùng cao” của NSNA Hùng Hoa Lư.


Cũng công phu và tâm huyết, người xem không khỏi rung cảm trước tác phẩm “Ước mơ vùng cao” vừa đạt giải khuyến khích Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022. Bức ảnh chụp cậu bé Jrai bay lên bầu trời cao rộng cùng chiếc chong chóng trên tay, môi nở nụ cười rạng rỡ; bên dưới là các bạn cũng đang hớn hở với chong chóng xoay tít trong gió. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư chia sẻ về ý tưởng của bức ảnh: “Cuộc sống của các em nhỏ vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tôi muốn thông qua tác phẩm thể hiện ước mơ và khao khát của các em, đó là được bay lên, vươn cao”.

Cũng với ý tưởng hết sức bay bổng, một tác phẩm khác được anh gửi dự thi là “Cánh đồng thời kỳ đổi mới” với bối cảnh là 2 đứa trẻ cưỡi trâu bay trên mây, xa xa là nhà, là phố. Thỏa sức sáng tạo để mang lại nghệ thuật thị giác độc đáo, NSNA Hùng Hoa Lư đã dẫn dắt người thưởng lãm đi vào một thế giới tuổi thơ đầy mơ tưởng, huyễn hoặc nhưng không xa rời mong ước xã hội đổi mới.

Rõ ràng, từ phông nền hiện thực kết hợp với ý tưởng mới lạ, ảnh ý tưởng đã tạo sức hút khó cưỡng, hàm chứa những thông điệp và triết lý sâu xa. Tùy vào tư duy và quan điểm nghệ thuật của mỗi tác giả mà ảnh ý tưởng lúc thì bật lên tinh thần phản biện sắc bén, trực diện, lúc lại tìm về khoảnh khắc lắng đọng, sáng tươi. Song, tựu trung chúng đều thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của người cầm máy. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư nhìn nhận: Còn nhiều vấn đề cần được quan tâm phản ánh, ví dụ như sự phát triển của công nghệ đã làm chia cắt, mất kết nối trong quan hệ gia đình, bè bạn… “Tôi từng chứng kiến một nhóm bạn đến quán cà phê cùng nhau nhưng mỗi người chỉ cắm cúi với chiếc điện thoại riêng mình. Bữa cơm nhiều gia đình bây giờ cũng thế”-anh nêu thực trạng. Trong khi đó, NSNA Hòa Carol cũng bộc bạch dự định ấp ủ trong thời gian tới ở thể loại ảnh ý tưởng, đó là sáng tạo những tác phẩm về những vấn đề nhức nhối ở một số lĩnh vực như: giáo dục, giao thông, môi trường, nạn bạo hành trẻ em và phụ nữ…

 

 PHƯƠNG DUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.