Pleiku thành phố vì sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội thảo lấy ý kiến cho đồ án quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, liên danh tư vấn AREP-VAA-UDI đã trình bày hai chiến lược phát triển cho thành phố là “Thành phố hữu cơ-Organic city” và “Thành phố cơ học-Infrastructure city”. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, liên danh tư vấn đã đề xuất phát triển đô thị Pleiku theo phương án phát triển một thành phố vì sức khỏe, xoay thành phố về phía sông suối và thung lũng.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ khu vực nội thành và ngoại thành TP. Pleiku với diện tích gần 26.100 ha. Quy hoạch điều chỉnh đưa ra các mục tiêu phát triển cho từng giai đoạn. Theo đó, từ nay đến năm 2020, đầu tư xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện để nâng cấp TP. Pleiku trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh vào năm 2020. Đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực đảm bảo vững chắc các tiêu chí đô thị loại I và hướng tới đô thị đặc biệt, với quy mô gần 500.000 dân; kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ-công nghiệp, trọng tâm là dịch vụ du lịch và công-lâm nghiệp. Đến năm 2050, TP. Pleiku có khoảng 1 triệu dân, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Bắc Tây Nguyên. Đồ án do UBND TP. Pleiku làm chủ đầu tư, 2 đơn vị tư vấn là Công ty Arep Ville Cộng hòa Pháp và Viện Kiến trúc-Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

 

Ảnh: Quang Vũ
Ảnh: Quang Vũ

Thành phố vì sức khỏe

Khi nói đến đô thị Tây Nguyên, người ta thường nghĩ đến Đà Lạt-trung tâm du lịch nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp phong phú hay TP. Buôn Ma Thuột-thủ phủ cà phê. Trong khi đó, “Ngay từ đầu đặt chân đến Pleiku, chúng tôi thấy bầu không khí ở đây thật tuyệt vời, trong lành, tươi mát, không khói bụi. Qua khảo sát thực địa, chúng tôi thấy ở đây có điều kiện thời tiết ôn hòa, có nguồn nước tự nhiên chất lượng cao. Tất cả đã hình thành nên ý tưởng xây dựng Pleiku thành một thành phố vì sức khỏe”-đại diện Công ty Arep Ville cho biết. Cũng theo đơn vị tư vấn này, ngoài việc tiếp tục phát triển các ngành: công nghiệp-logistic, nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, thương mại sẵn có, định hướng phát triển xung quanh chủ đề nghỉ dưỡng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe là một ý tưởng đột phá nhằm mang lại hình ảnh hoàn toàn mới cho đô thị Pleiku.

Hiện nay, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều quốc gia trên thế giới nổi tiếng trong lĩnh vực này như: Costa Rica, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ… Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện xu hướng này. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 100.000 người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh, mang lại doanh thu trên 1 tỷ USD. Tuy vậy, hình thức này đang phát triển một cách nhỏ lẻ, chưa mang tính định hướng. Hiện TP. Pleiku đã có một số điều kiện ban đầu để có thể phát triển ngành du lịch chăm sóc sức khỏe như: khí hậu mát mẻ quanh năm (đây là lý do tiên quyết để thời Pháp thuộc, người Pháp đã chọn những nơi có khí hậu tương tự để phát triển du lịch nghỉ dưỡng), không khí sạch và trong lành, y tế đã có sự đầu tư của Nhà nước và bước đầu của tư nhân, đã có luồng bệnh nhân quốc tế đến từ Lào và Campuchia, có sự ổn định về chính trị và xã hội, có cơ sở hạ tầng du lịch (dù còn hạn chế), là vùng đất đã và đang phát triển các vùng dược liệu đồng thời có những bài thuốc dân tộc cổ truyền.

Thành phố có địa hình đặc trưng

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thành phố Pleiku hiện nằm trên một địa hình đồi núi khá đặc biệt, trong đó, có các thung lũng miệng núi lửa âm, các đồi, miệng núi lửa dương cũng như có các dòng suối chảy qua. Có thể nói, đây chính là những đặc trưng cảnh quan của Pleiku mà không thành phố nào ở Việt Nam có được. Song không khó nhận ra, hướng phát triển của Pleiku cũng như bộ mặt của đô thị đang bám vào các trục chính của đô thị. Không gian xung quanh các dòng suối và thung lũng chưa được khai thác, bỏ hoang hoặc đang diễn ra tình trạng các khu nhà tạm do dân cư lấn chiếm. Đây là những khu vực tiềm năng nhất, có giá trị nhất của thành phố, lại nằm ngay trung tâm thành phố. Điều đó đồng nghĩa với việc Pleiku đang quay lưng lại với những tiềm năng cảnh quan đặc trưng, chưa tận dụng được những lợi thế địa hình, bởi vậy đô thị Pleiku vẫn chưa có nét đặc trưng.

Nhằm tạo ra một hình ảnh hấp dẫn cho Pleiku, đồ án quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đề xuất phát triển thành phố về phía các không gian mặt nước, các không gian núi lửa âm. Khu vực này hiện chưa được khai thác và dân cư phát triển tự phát với chất lượng thấp, bị coi là “khu ổ chuột” của thành phố, tương phản với các khu vực đông đúc sát đường chính đô thị. Chiến lược thực hiện sẽ là “bottom up”, tức xây dựng từ dưới đáy lên nhằm tạo bộ mặt đột phá cho đô thị, đồng thời xoay trục chính đô thị về phía không gian xanh. Chiến lược này không chỉ xây dựng nhà ở đô thị mà còn đưa ra ý tưởng về “trục nghệ thuật-du lịch” với các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc và các công trình công cộng. Trục này sẽ kết nối với không gian xanh đô thị, không gian nông nghiệp, không gian du lịch, tạo nên xương sống cảnh quan độc đáo cho Pleiku.

Để ý tưởng trở thành hiện thực, để phát triển được thành phố vì sức khỏe, có đặc trưng, cần có sự quyết tâm và hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khai thác tối đa tiềm năng sẵn có.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm