Ngày 11-8-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để chia tách phường Hoa Lư, thành lập phường Tây Sơn thuộc TP. Pleiku với diện tích tự nhiên 154,33 ha, bao gồm 16 tổ dân phố với 10.112 nhân khẩu. Ngày 27-8-1999, Thành ủy Pleiku có Quyết định số 458/QĐ-TU chính thức thành lập Đảng bộ cơ sở, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 12 đồng chí; đồng thời Chủ tịch UBND thành phố cũng ra Quyết định số 185/1999/QĐ-CT chỉ định UBND lâm thời và 5 thành viên UBND.
Ngay từ khi mới thành lập, phường gặp nhiều khó khăn. Đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phường đạt mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, kết cấu hạ tầng cơ sở còn tạm bợ, sơ sài. Được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố Pleiku, sự hỗ trợ của các ban ngành, địa phương, Đảng bộ và nhân dân phường Tây Sơn đã đoàn kết, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm của thành phố giao. Nếu năm 2000 thu ngân sách phường chỉ đạt 1,6 tỉ đồng thì đến năm 2005 đã đạt 6,154 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần. Đến cuối năm 2008 thu ngân sách là 10,2 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2009 thu ngân sách đã đạt 6,043 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân tăng 15%, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 10% (đạt 22,7 triệu đồng/người/năm).
Đạt được mức tăng trưởng ngân sách cao như vậy là nhờ xác định cơ cấu kinh tế thương mại- dịch vụ- tiểu thủ công nghiệp- nông nghiệp. Hoạt động kinh tế cá thể có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn vốn đầu tư; mặt hàng kinh doanh đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Nếu năm 2005 có 608 hộ kinh doanh, doanh thu 90 tỉ đồng thì đến nay có 670 hộ kinh doanh, doanh thu ước đạt 280 tỉ đồng; đầu năm 2005 có 108 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, doanh thu 25 tỉ đồng thì đến tháng 6-2009, doanh thu ước đạt 55 tỉ đồng. Trên địa bàn phường có 45 doanh nghiệp đang hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh và thành phố đang tập trung đầu tư, xây dựng dự án đặt tại địa bàn phường như: Công viên Lý Tự Trọng, Quảng trường 17-3, Khu Liên hợp thể dục- thể thao và nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khác... đạt giá trị hàng trăm tỉ đồng.
Không chỉ vậy, phường đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức cùng với Nhà nước hoàn thành việc nhựa hóa, bê tông hóa 30 đường hẻm với chiều dài trên 3.000 mét, xây dựng mới hơn 10.800 m2 vỉa hè lát gạch block, xây dựng mới 9 phòng họp dân.
Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự địa bàn luôn được giữ vững. Đời sống văn hóa- tinh thần của nhân dân cũng theo đó có nhiều tiến bộ đáng kể. Đến nay, toàn phường đã đóng góp, xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo” trên 125 triệu đồng, hỗ trợ 33 hộ nghèo có vốn để sản xuất, phường cơ bản đã xóa nhà dột nát, hộ nghèo giảm còn 0,48%.
Khi mới thành lập, Đảng bộ có 16 chi bộ, 209 đảng viên. Đến nay, toàn Đảng bộ có 20 chi bộ với 277 đảng viên (hàng năm có hơn 80% chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh). Đây là hạt nhân chính trị lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, xây dựng phường phát triển toàn diện trong tương lai.
Lê Bá Tuế