Phụ nữ Ia Ka khởi nghiệp bằng đặc sản truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hòa nhập cùng dòng chảy kinh tế thị trường, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ia Ka (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã tự mình làm ra sản phẩm sạch để đưa đến tận tay người tiêu dùng. Bước đầu, họ đã tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Từ những món ngon truyền thống
Năm 2017, chị Rơ Châm July (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka) bắt đầu thử sức kinh doanh các mặt hàng đặc sản của dân tộc mình. “Ban đầu, mình làm món cá trích giã lá é. Đây là món ăn rất ngon của người Jrai. Cá trích nướng lên, sau đó gỡ bỏ xương, lấy thịt giã cùng lá é tươi. Nhưng nếu giã với lá é tươi thì không để được lâu nên mình phải phơi nắng thật khô để vừa giữ được mùi vị, lại có thể bảo quản lâu hơn”-chị Rơ Châm July chia sẻ. Món đặc sản trên được chị July bán với giá 350.000 đồng/kg.
Chị Rơ Châm July bên các đặc sản truyền thống do chính tay mình làm. Ảnh: Phương Linh
Chị Rơ Châm July bên các đặc sản truyền thống do chính tay mình làm. Ảnh: Phương Linh
Nhớ đến hương vị của món thịt heo gác bếp mẹ làm từ thuở nhỏ, chị July cũng đã tự mày mò để làm món ngon truyền thống này. Chị cho hay: “Mình hỏi bí quyết từ những người già trong làng và phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Món thịt heo gác bếp này quan trọng nhất là canh lửa sao cho đều, không được quá sẽ khiến miếng thịt khô, không giữ được hương vị đặc trưng”. Tất cả nguyên liệu để làm ra sản phẩm đều được chị tuyển chọn kỹ càng, có nguồn gốc và đặc biệt là sạch, không có hóa chất. Thịt heo nguyên liệu phải là heo sọc dưa do chính người trong làng nuôi. Cùng với cá trích giã lá é và thịt heo sọc dưa gác bếp, chị còn làm thêm măng khô, muối cỏ thơm (cỏ Groach) do người làng đi rẫy hái đem về bán lại. Tất cả đều được chị làm hoàn toàn bằng thủ công.
Sau 1 năm sản xuất kinh doanh, các sản phẩm của chị July đã được khách hàng gần xa biết đến. Trung bình mỗi tuần, chị tiêu thụ khoảng 10 kg thịt heo gác bếp (440.000 đồng/kg). Lượng tiêu thụ tăng cao vào các dịp lễ, Tết. Chia sẻ bí quyết thu hút khách hàng, chị July cho biết: “Sau khi giới thiệu sản phẩm đến người quen và nhận được sự ủng hộ, mình bắt đầu rao bán trên mạng xã hội. Nhờ đó mà số lượng khách hàng tìm đến với các sản phẩm của mình ngày càng tăng và ổn định, thậm chí đôi lúc “cháy” hàng vì làm không kịp giao”.
Hiện tại, ngoài việc tự tay chế biến các món ăn truyền thống, chị July còn thu gom các giống lúa rẫy 6 tháng, lúa nếp cẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. “Đây là 2 giống lúa truyền thống, rất thơm ngon, dẻo cơm nhưng năng suất khá thấp nên bà con ít trồng. Vì vậy, mình sẵn sàng thu mua với giá cao hơn để bà con duy trì sản xuất, gìn giữ giống lúa đặc sản”-chị July bày tỏ.
Lan truyền cảm hứng khởi nghiệp 
 
Chị Rơ Châm H'Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka: “Chúng tôi đang tính tới việc thành lập một hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh đặc sản. Trên địa bàn xã đang có 5 chị em có ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản của dân tộc mình. Đây sẽ là tiền đề để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên cải thiện cuộc sống”.

Khi thấy ngày càng có nhiều người thích ăn gạo lúa rẫy, chị Rơ Châm Mẫu (làng Mrông Yố 2) đã dành hẳn 5 sào đất ruộng để trồng lúa 6 tháng. Từ khi gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, chị không hề bón bất kỳ một loại phân nào cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi vụ, chị thu được khoảng 6 tạ lúa, để dành bán trong vòng một năm cho người thân, bạn bè. Dần dần, khách đến mua gạo của chị ngày càng nhiều. “Mình đang tính mở rộng thêm diện tích cũng như dành vốn để thu gom thêm gạo rẫy của người trong làng, bởi nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên”-chị Mẫu bày tỏ.
Cũng là thành viên tiên phong trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, chị Rơ Châm H'Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka-chọn chăn nuôi gà và heo. Tuy nhiên, thay vì chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, chị H'Ken giữ cách nuôi truyền thống, thả rông và không dùng cám công nghiệp. Chị cũng không sử dụng con giống lai mà chỉ nuôi heo sọc dưa và giống gà địa phương. “Hiện tại, mình đang nuôi gần 40 con heo sọc dưa và khoảng 100 con gà. Tất cả nuôi thả tự do trong vườn. Chăn thả như thế vất vả, mất nhiều thời gian nhưng bù lại thì chất lượng thịt gia súc, gia cầm rất ngon”-chị H'Ken chia sẻ. Trong năm 2017, chị H'Ken đã bán ra khoảng 70 con heo (giá 80.000 đồng/kg) và 500 con gà (100.000 đồng/con). Mô hình chăn nuôi đã đem lại cho gia đình chị H'Ken nguồn thu nhập đáng kể.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.