(GLO)- Dự thảo Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế xây dựng dù vẫn đang trong giai đoạn chờ Bộ Tư pháp thẩm định song đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi ai cũng biết rằng, việc sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Cụ thể, theo báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe năm 2016 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) đã tăng từ 3,8 lít/năm (giai đoạn 2003-2005) lên 6,6 lít/năm (giai đoạn 2008-2010) và 8,3 lít vào năm 2016, đứng thứ 64/194 nước trên thế giới.
Ảnh minh họa |
Một điều rất đáng lo ngại nữa, theo số liệu của Bộ Y tế, là tỷ lệ người sử dụng rượu, bia ở nước ta ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Nếu như năm 2010, tỷ lệ người trên 15 tuổi có uống rượu bia là 70% với nam và 6% với nữ thì đến năm 2015, con số này lần lượt là 80,3% và 11,6%. Đặc biệt, theo một điều tra về sức khỏe học sinh được thực hiện năm 2013, có đến 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 cho biết đã uống rượu, bia lần đầu khi chưa đủ 14 tuổi.
Tình trạng lạm dụng rượu, bia gia tăng đã và đang để lại hệ lụy đau lòng cho rất nhiều gia đình và toàn xã hội, rõ nhất là về sức khỏe của người sử dụng. Theo đó, rượu, bia được xem là yếu tố xếp thứ 5/15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại nước ta, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh như: ung thư, tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần... Rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngộ độc, tai nạn giao thông. Ngoài ra, rất nhiều vụ án nghiêm trọng, từ cố ý gây thương tích, giết người đến hiếp dâm… xảy ra thời gian qua cũng có một phần nguyên nhân từ việc người sử dụng rượu, bia không thể làm chủ bản thân.
Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu bia, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện Bộ Y tế tại Hội thảo Dự án Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, vẫn còn một khoảng trống rất lớn các nội dung chưa được điều chỉnh về lĩnh vực này, đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa tác hại của rượu, bia. Vì vậy, việc xây dựng một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia là điều cần thiết.
Dự thảo Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế xây dựng gồm 6 chương, 22 điều đã quy định khá rõ ràng, cụ thể các biện pháp phòng-chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác, bao gồm: kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng-chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong số này, có những quy định rất đáng chú ý như: nghiêm cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên; quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử (trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia); chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày hoặc từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch)…
Trước thực trạng lạm dụng rượu, bia ngày càng gia tăng và hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại đồ uống có cồn còn nhiều vi phạm như hiện nay, việc tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, từ việc xây dựng luật đến đảm bảo cho các quy định của luật được thực thi, đem lại hiệu quả như mong muốn là điều mà các cơ quan liên quan cần tính đến. Vì vậy, góp ý với Bộ Y tế về dự thảo Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tính toán được hiệu quả mà nó mang lại, việc ban hành luật này là không cần thiết. Thay vào đó, chúng ta nên tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành đến các doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh rượu, bia để họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động. Quan trọng hơn là cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc sử dụng rượu, bia có trách nhiệm, tránh tình trạng lạm dụng như hiện nay.
Thiết nghĩ, những góp ý trên rất đáng để các bộ, ngành liên quan và Quốc hội quan tâm trong quá trình hoàn thiện, thông qua Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia. Bởi lẽ, trong thực tế, từng có những luật được xây dựng rất công phu, được kỳ vọng rất nhiều song hiệu quả lại rất thấp, điển hình như Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá.
Vĩnh Phúc