Phố đi bộ Hội An sẽ là khuôn hình mẫu cho Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm ngay giữ lòng thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhưng buôn AKô Dhông – một buôn làng truyền thống của người Ê Đê vẫn còn giữ tương đối nguyên sơ một không gian văn hóa hiếm có. 
Nhà dài - một trong những kiến trúc văn hóa đặc biệt của người Ê Đê ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Anh

Nhà dài - một trong những kiến trúc văn hóa đặc biệt của người Ê Đê ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Anh

Buôn làng giàu đẹp giữa phố

Buôn AKô Dhông là một cụm dân cư ở cuối đường Trần Nhật Duật, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột. Tại đây có khoản 100 hộ dân người Ê Đê, sinh sống trong những ngôi nhà phố liền kề, hiện đại. Nhưng vẫn còn hơn 30 nóc nhà dài nguyên bản Ê Đê trên cùng một khu phố. Chủ nhân của những ngôi nhà truyền thống chính là người Ê Đê bản địa.

Nhưng đáng nói hơn, bên cạnh những căn nhà mới khang trang, hiện đại, hàng chục gia đình vẫn giữ được nhà dài truyền thống. Đặc biệt, giữ được không gian rộng lớn, với vườn cỏ, với cây xanh, hoa trái sum suê, tươi mát quanh năm.

Không gian sống của người Ê Đê được bảo tồn khá tốt ở buôn AKô Dhông, giữa thành phố Buôn Ma Thuộc. Ảnh: Phan Anh

Không gian sống của người Ê Đê được bảo tồn khá tốt ở buôn AKô Dhông, giữa thành phố Buôn Ma Thuộc. Ảnh: Phan Anh

Không chỉ dựng nhà dài để ở, để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, người Ê Đê ở buôn AKô Dhông đã đưa vào khai thác du lịch. Đây là một trong những địa chỉ hút khách khi đến với Buôn Ma Thuột, với Đắk Lắk. Là một nơi được mệnh danh là “buôn Ê Đê giàu đẹp nhất Tây Nguyên”.

Có nhiều huyền thoại kể về sự hình thành buôn AKô Dhông, nhưng đều tựu trung về nhân vật có thật – người lập làng: Ông Ama H'rin.

Buôn AKô Dhông nguyên sơ rộng hơn 40ha, có rừng núi nguyên sinh, đồi cỏ, rẫy cà phê… Đặc biệt, đây là ngôi làng nằm trên đầu nguồn của 6 con suối, là Ea Nuôl, Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung. Tên buôn AKô Dhông – nghĩa là làng đầu con nước.

Nhân vật trong câu chuyện huyền thoại lập làng AKô Dhông chính là Y Diêm (sau này gọi là Ama H'rin- theo phong của người Ê Đê, đàn ông sau khi có con sẽ được gọi theo tên con đầu lòng). Sinh thời, ông Ama H'rin, thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Ông được mọi người kính trọng bầu làm già làng ở tuổi 30. Chính ông cũng là người đầu tiên học cách trồng cà phê của người Pháp, rồi truyền thụ lại cho gia đình, buôn làng.

Không chỉ lập làng, xây dựng và phát triển buôn Akô Dhông giàu đẹp, già Ama H'rin dạy dỗ, nhắc nhớ với con cái, dân trong buôn phải gìn giữ nếp nhà, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chính ông là người đấu tranh, gìn giữ sự tồn tại của buôn cho đến khi mất (năm 2012). Mười người con - 4 trai, 6 gái của ông Ama H'rin hiện là chủ nhân của những ngôi nhà dài truyền thống được mệnh danh giàu đẹp nhất ở Tây Nguyên bây giờ.

Xây dựng AKô Dhông thành phố đi bộ như Hội An

Nhà nghiên cứu H’Linh Nga Niê Kdăm kể lại, khi còn sống, ông Ama H'rin đã tha thiết vận động nhân dân giữ lại những ngôi nhà dài Ê Đê ở buôn này. Đặc biệt, là không gian vườn, rẫy gắn với các làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu, đan lát, điêu khắc gỗ…

Trước cơn lốc đô thị hóa, thị trường bất động sản tăng giá đất đô thị từng ngày, việc gìn giữ đất làng, nhà dài không hề dễ. Thế nhưng, đến nay, buôn Akô Dhông tồn tại với hàng chục ngôi nhà dài truyền thống, còn lưu giữ được không gian văn hóa làng cổ Ê Đê ngay giữa lòng thành phố, đó là điều khó tưởng tượng. Buôn Akô Dhông như một viên ngọc quý đầu nguồn còn hiếm hoi ở Tây Nguyên.

Sau đại dịch COVID-19, giữa năm 2022, khi Báo Lao Động tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong tình hình mới”, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các ngành chức năng, chính quyền TP.Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk… nhà nghiên cứu H’Linh Nga Niê Kdăm đã mang trăn trở của mình về buôn Akô Dhông đến sự kiện này. Bà H’Linh Nga lo lắng: “Giữ được nhà dài đã khó, giữ được không gian của buôn làng Ê Đê truyền thống càng khó hơn, nhất là trong tương lai”.

Chia sẻ với những trăn trở đầy tâm huyết của nhà văn hóa, nhà nghiên cứu H’Linh Nga, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo TP.Hội An mở lối: “Hãy xây dựng buôn Akô Dhông thành phố đi bộ, thành một khu phố chuyên biệt phát triển dịch vụ du lịch tương tự phố cổ Hội An”.

Người dân làm dịch vụ du lịch tại buôn Akô Dhông. Ảnh: Phan Anh

Người dân làm dịch vụ du lịch tại buôn Akô Dhông. Ảnh: Phan Anh

Ông Sự cho biết rất bất ngờ và xúc động khi lần đầu đến thăm Akô Dhông. Không chỉ một buôn làng truyền thông còn tương đối rõ nét, mà không gian văn hóa còn thấm đẫm. Đặc biệt địa hình, vị trí quá thuận lợi để có thể phát triển thành khu phố đi bộ tương tự Hội An. Nếu làm được thì đây sẽ là cách bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt nhất cho buôn Akô Dhông, cho Buôn Ma Thuột.

Ông Sự nói: “Nếu không có giải pháp thì đô thị hóa sẽ sớm “nuốt chửng” buôn Akô Dhông. Sẽ rất tiếc. Tất nhiên, cuộc sống đang phát triển, sôi động, dân đang đi lại tự do, bỗng nhiên chính quyền thực hiện việc cấm xe cơ giới, cấm tách thửa, bán đất, bán nhà, sửa chữa, xây dựng theo kiến trúc hiện đại… là việc làm không hề dễ. Dân sẽ phản đối. Nhưng nếu chính quyền quyết tâm thì sẽ đạt được đồng thuận”.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội An, ông Nguyễn Sự kể, ban đầu thực hiện phố đi bộ, cấm xe cơ giới vào khu đô thị cổ, tắt đèn điện để thực hiện sản phẩm du lịch “đêm rằm phố cổ”, người Hội An cũng phản đối quyết liệt. Nhưng chính quyền Hội An làm từng bước. Mỗi tháng chỉ cấm 1 đêm.

Khi sản phẩm du lịch hình thành, không chỉ hấp dẫn du lịch, khách đến với khu đô thị cổ ngày càng đông hơn. Khi đi bộ, khách ở lại lâu hơn, ghé thăm từng nhà, xem từng cửa hàng, dùng dịch vụ nhiều hơn khi thư thả dạo phố. Người dân nhận ra rằng, để khách đi bộ trong phố thì cơ hội tiếp xúc, buôn bán được hiệu quả hơn khi du khách phóng ôtô, xe máy vèo qua phố như trước. Sau đó, chính quyền mới nâng dần số ngày cấm xe cơ giới lên 3 ngày, 1 tuần… rồi tiến tới tổ chức phố đi bộ, cấm toàn bộ xe cơ giới như hiện nay.

“Bắt được ý tưởng” này, ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, mắt như sáng lên: “Chúng tôi sẽ sớm nghiên cứu và áp dụng ý tưởng này của ông Nguyễn Sự và cách làm của Hội An. Nếu buôn Akô Dhông được quy hoạch lại, bảo tồn và triển khai được phố đi bộ như Hội An, chắc chắn sẽ phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc”.

Theo ông Nhật, Bộ Chính Trị, Trung ương đã thông qua cơ chế đặc thù, chủ trương để phát triển Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk thành đô thị vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững. Trong đó, nền kinh tế phải phát triển xanh, tuần hoàn và mang đậm bản sắc. Vì vậy, nếu bảo tồn, phát huy được buôn Akô Dhông theo ý tưởng của ông Nguyễn Sự, thì viên ngọc quý đầu nguồn Akô Dhông sẽ có cơ hội tỏa sáng”.

Có thể bạn quan tâm