Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk không đủ tiêu chuẩn vẫn được bổ nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau khi báo Tiền Phong có bài phản ánh một phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có thâm niên gần 30 năm công tác, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương nhưng tới nay vẫn chưa có bằng đại học, ông Nguyễn Thanh Hiệp- cán bộ có tên trong bài và một số vị liên quan đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
 
Ông Hiệp đã có quá trình công tác gần 30 năm
Nhiều lần phóng viên cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Thanh Hiệp không được, đến chiều 13/12 ông Hiệp mới nghe máy và trả lời qua điện thoại. Theo ông Hiệp, ông không hề gian dối về bằng đại học như báo đã phản ánh. “Tôi không gian dối. Tôi là người thật việc thật. Việc báo phản ánh như thế làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi” , ông Hiệp nói, nhưng vẫn không giải thích được vì sao không được cấp bằng tốt nghiệp đại học mà ông lại tự khai vào lý lịch là kỹ sư lâm nghiệp. Phóng viên hỏi: Vậy trước đây, khi làm hồ sơ công chức, viên chức, anh có khai đã hoàn thành, hoặc đã được đào tạo xong tại trường Đại học Tây Nguyên, nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp hay không ? Ông Hiệp nói: “Ai mà đi ghi như thế được. Mọi việc, các cơ quan chức năng đã làm xong hết rồi !”.
Trong khi đó, ông Y Biêr Niê - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nói: HĐND sẽ có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBKT, Ban tổ chức Tỉnh ủy xác minh, nay đã có kết luận. Dùng từ “gian dối về bằng cấp” thì nặng nề quá. Vì ông Hiệp có học hành, có thi đàng hoàng. Tuy nhiên, quy định thời kỳ ông Hiệp, sinh viên phải tập sự 16 tháng và phải có giấy xác nhận của cơ sở mới được cấp bằng tốt nghiệp. Thực tế thì năm 1989, sau khi ông Hiệp tập sự ở Lâm trường Krông Ana được 4 tháng thì lâm trường này bị giải thể, nên ông Hiệp không được ai ký tá xác nhận. Do đó, ông Hiệp không được cấp bằng.
Ngày xưa không có tiêu chí cán bộ
Chiều 13/12, phóng viên Tiền Phong đến Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Sở cho biết vì sao một cán bộ không có bằng tốt nghiệp đại học vẫn có thể thăng tiến qua hàng loạt chức vụ quan trọng như vậy. Một cán bộ Sở đề nghị không nêu tên, nói: Đúng là theo quy định hiện nay, từ cấp trưởng, phó phòng của các sở đã phải có chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên. Trường hợp của ông Hiệp là cán bộ thuộc diện quản lý của Thường trực Tỉnh ủy, hồ sơ ông Hiệp do Tỉnh ủy nắm giữ, nên Sở không rõ trước đây ông Hiệp đã khai như thế nào. Theo các quyết định của Tỉnh ủy Đắk Lắk quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tất cả những vị trí như bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND tỉnh đều phải tốt nghiệp tốt nghiệp THPT; phải có chuyên môn nghiệp vụ từ Đại học trở lên.
Chiều 13/12, tại Ban tổ chức Thành ủy TP Buôn Ma Thuột, một cán bộ lãnh đạo Thành ủy xác nhận với PV Tiền Phong: đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Hiệp khi còn làm chủ tịch UBND xã Hòa Đông đã có sai phạm liên quan đến ngân sách làm đường dây điện mà Nhà nước đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn UBKT đề nghị xem xét, ông Hiệp  được rút lên làm chuyên viên văn phòng, rồi làm phó chánh văn phòng, chánh văn phòng… Sau đó, ông được bầu lên làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
“Khi chuyển anh Hiệp lên, Thành ủy chỉ tiếp nhận mỗi hồ sơ Đảng viên. Đặc điểm khó khăn của Tây Nguyên nói chung khi đó là thiếu người, nên cán bộ xã chủ yếu dùng những người đã nghỉ hưu. Thời điểm anh Hiệp làm phó, rồi chánh văn phòng … Thành ủy cũng chưa có tiêu chuẩn về chức danh cán bộ, nên hồ sơ bằng cấp lúc đó không được kiểm tra chặt chẽ ” - cán bộ Ban tổ chức Thành ủy TP Buôn Ma Thuột nói.
Lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên khẳng định: nhà trường chưa cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên Nguyễn Thanh Hiệp, học chuyên ngành lâm sinh (khóa học 1984-1989), vì sinh viên này chưa hoàn thành thời gian tập sự thời gian 16 tháng. Theo quy định của của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), sinh viên Hiệp không đủ điều kiện để được cấp bằng. Do đó, ngày 18/7/2018, Đại học Tây Nguyên chỉ cấp giấy chứng nhận ông Hiệp đã hoàn thành chương trình học ngành lâm sinh. 
Vũ Long (TP)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.