Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”: Trải nghiệm đặc biệt của các đại biểu “nhí”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II-2024 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua. Tại đây, 4 đại biểu “nhí” của Gia Lai đã có những trải nghiệm đặc biệt.

4 đại biểu “nhí” của Gia Lai gồm: Vũ Hoàng Nam (lớp 6.10, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku); Ngô Thị Ánh Dương (lớp 9A5, Trường THCS Hùng Vương, huyện Ia Grai); Trần Thúy Hiền (lớp 7B, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh); Lê Nguyễn Anh Khoa (lớp 6C, Trường THCS Ayun, huyện Mang Yang).

Cơ hội thể hiện quyền trẻ em

Trở về từ phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, em Vũ Hoàng Nam vẫn vẹn nguyên sự vui mừng, phấn khởi. Nam cho hay: “Em từng theo dõi phiên họp của Quốc hội qua ti vi song việc được vào tòa nhà Quốc hội và bày tỏ ý kiến là một trải nghiệm khó quên.

Để chuẩn bị cho phiên họp, em đã dành thời gian để tìm hiểu về Quốc hội và lấy ý kiến của các cử tri trẻ em tại trường học để tham gia góp ý tại phiên họp”.

3dfd0e61c7cb619538da-5692.jpg
Em Vũ Hoàng Nam (bìa trái; lớp 6.10, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và các đại biểu Quốc hội trẻ em chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Lâm Hiển/ĐBND

Tham gia phiên họp giả định, Nam cùng các đại biểu đã ý kiến, kiến nghị về 2 chủ đề: phòng-chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em và phòng-chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường.

Trong phiên thảo luận tổ, Nam thẳng thắn trao đổi: “Những chủ đề của phiên họp sát với thực tiễn môi trường học đường. Tác hại của thuốc lá, chất kích thích hay bạo lực học đường gây ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và thể chất của học sinh.

Em đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đổi mới hình thức tuyên truyền, trang bị kỹ năng sống cho học sinh; cần có sự phối hợp giữa gia đình-nhà trường để giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực; lắp đặt hòm thư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh”.

Phiên họp giả định đã khép lại song em Ngô Thị Ánh Dương vẫn nhớ như in hành trình vừa trải qua. Tại phiên họp, Dương đề xuất: Ngành Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các tài liệu về phòng-chống bạo lực cho các trường học. Nhà trường chủ động nắm bắt thông tin về các vụ bạo lực học đường để can thiệp, giải quyết kịp thời; đồng thời dành sự quan tâm đối với học sinh cá biệt.

Những hoạt động ngoại khóa tập trung định hướng cảm xúc, cách kiểm soát hành vi để hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Quý thầy-cô giáo cũng cần cập nhật kiến thức, kỹ năng, đổi mới cách tuyên truyền, thuyết phục học sinh.

Khoa và Hiền cũng cảm thấy tự hào khi được đại diện cho hơn 286 ngàn đội viên, thiếu niên, nhi đồng của tỉnh để tham gia phiên họp giả định. Khoa chia sẻ: “Trải nghiệm làm đại biểu Quốc hội đã giúp em học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng từ các bạn thiếu nhi trong toàn quốc.

Em đã lắng nghe, tiếp thu những nội dung, giải pháp tại phiên họp để về thông tin lại với nhà trường và các bạn học sinh nhằm triển khai có hiệu quả việc phòng-chống bạo lực học đường và phòng-chống sử dụng chất kích thích trong trường học”.

Trong khuôn khổ chương trình ý nghĩa này, các đại biểu đã được gặp các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, tham quan Bảo tàng Quốc hội và trải nghiệm chương trình “Tinh hoa đạo học” tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

“Đây là dấu ấn không thể nào quên trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường của em. Tham gia phiên họp giả định, em có cơ hội nói về những vấn đề mà trẻ em quan tâm và học hỏi nhiều điều hay từ các bạn”-Hiền bày tỏ.

Động lực để học tập tốt

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” có 307 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. 4 đại biểu của tỉnh Gia Lai được chọn tham gia phiên họp giả định đều có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện; đạt giải cao tại cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, các em cũng là những chỉ huy Đội, đội viên xuất sắc.

phienhop-gia-dinh-7063.jpg
Các đại biểu của tỉnh Gia Lai tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Ảnh: Mỹ Dung

Trong đó, Vũ Hoàng Nam là gương mặt khá quen thuộc khi từng là đại diện duy nhất của tỉnh nhận giải thưởng Kim Đồng của Hội đồng Đội Trung ương. Nam cũng sở hữu bảng thành tích “khủng”: huy chương vàng cuộc thi Olympic Toán học quốc gia TIMO năm 2024; huy chương vàng cuộc thi Olympic Toán học Singapore và châu Á-SASMO năm 2024; huy chương đồng cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên internet IOE cấp toàn quốc năm học 2023-2024…

Em Ngô Thị Ánh Dương cũng sở hữu một loạt thành tích đáng nể như: giải ba tại liên hoan các đội tuyên truyền măng non cấp tỉnh; giải tư cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp trường. Dương còn là Liên đội trưởng gương mẫu, tích cực tham gia hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, cuộc thi “Sáng tạo video clip theo chủ đề: Thầy cô trong trái tim con”…

Dương tâm sự: “Việc được ra Hà Nội và làm đại biểu Quốc hội trẻ em đã tạo động lực để em tiếp tục nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện. Em nỗ lực để thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy để mai này góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như lời dặn dò của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp giả định”.

Ở Trường THCS thị trấn Phú Hòa, Trần Thúy Hiền khiến các bạn khâm phục khi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc nhiều năm liên tiếp; đạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh năm 2024; giải khuyến khích bảng D2 Hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh lần thứ XXIII-2024; giải nhất phần thi sản phẩm sáng tạo tại Hội thi Tin học trẻ huyện Chư Păh lần thứ V, năm học 2023-2024.

Với Lê Nguyễn Anh Khoa, ngoài thành tích học tập, em còn nổi bật trong các hoạt động Đội, đạt giải nhì Hội thi phụ trách Sao giỏi-Sao nhi đồng chăm ngoan cấp tỉnh năm học 2022-2023 và đạt giải nhất cuộc thi này trong năm học 2023-2024.

Có thể bạn quan tâm