Phản ứng của ECOWAS, Mỹ, EU trước vụ đảo chính quân sự ở Niger

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Ngày 11/8, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell bày tỏ lo ngại trước điều kiện sống ngày càng tồi tệ của Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức.
Chính quyền quân sự Niger và những người ủng hộ cuộc đảo chính. Ảnh: AFP

Chính quyền quân sự Niger và những người ủng hộ cuộc đảo chính. Ảnh: AFP

Ông Borrell nêu rõ: “EU tái khẳng định lập trường quan ngại sâu sắc về các điều kiện ngày càng tồi tệ nơi Tổng thống Niger đang bị giam giữ. Theo thông tin mới nhất, hiện Tổng thống Bazoum và gia đình đang bị thiếu thốn thức ăn, điện và chăm sóc y tế trong vài ngày qua”.

Trước đó, ngày 10/8, quan chức phương Tây tiết lộ, chính quyền quân sự Niger nói sẽ giết Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum nếu các nước có hành động can thiệp quân sự.

Theo một quan chức quân đội phương Tây, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tới Niger tuần vừa này, đại diện của chính quyền quân sự Niger đã cảnh báo mối đe dọa đối với ông Bazoum.

Sau phản ứng cuộc đảo chính, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ( ECOWAS) yêu cầu chính quyền quân sự Niger phục hồi cương vị lãnh đạo của ông Bazoum nếu không sẽ bị trừng phạt bằng biện pháp mạnh.

Ngày 10/8, ECOWAS lại nhóm họp để bàn về các động thái tiếp theo đối với Niger.Tuy nhiên theo các nhà phân tích, tổ chức này có thể sắp hết lựa chọn khi sự ủng hộ cho một cuộc can thiệp quân sự đang suy giảm dần.

Cũng trong ngày 10/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi một giải pháp hòa bình nhằm lật ngược cuộc đảo chính quân sự ở Niger sau khi ECOWAS nhất trí triển khai một lực lượng quân sự “dự phòng”.

Washington đồng thời quy trách nhiệm cho chính quyền quân sự ở Niger đối với sự an toàn của Tổng thống Mohamed Bazoum cùng người nhà và các thành viên chính phủ bị bắt giữ hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Cuộc đảo chính ở Niger là cuộc đảo chính thứ 7 trên khắp Tây và Trung Phi trong vòng ba năm qua, làm dấy lên một loạt vấn đề vượt xa khỏi biên giới Niger, đặt ra những thách thức trong lĩnh vực địa chính trị, kinh tế và an ninh, có khả năng gây bất ổn cho khu vực Tây Phi.

Tầm quan trọng chiến lược của Niger làm tình hình thêm phức tạp. Là nơi có trữ lượng urani đáng kể, quốc gia này đóng vai trò then chốt trong bối cảnh năng lượng toàn cầu, cung cấp 15% nhu cầu urani của Pháp và đóng góp 20% vào kho dự trữ urani của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc đảo chính ở Niger phản ánh một xu hướng đáng báo động: gia tăng các cuộc tiếp quản quân sự trên khắp châu Phi, khiến châu lục này không còn ở giai đoạn tương đối ổn định như đầu những năm 2000. Cuộc đảo chính ở Niger có các đặc điểm tương tự với các bất ổn chính trị xảy ra trên khắp khu vực.

Mặc dù các nỗ lực đảo chính đã giảm sau năm 2000, nhưng những năm gần đây, các vụ đảo chính đã trỗi dậy, cho thấy tính dễ bị tổn thương của chính quyền ở các quốc gia châu Phi.

Quan hệ liên minh chặt chẽ của Niger với Pháp và Mỹ cho thấy cuộc đảo chính ở nước này có ảnh hưởng quốc tế.

Châu Phi thành một chiến trường cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Những cuộc đấu tranh quyền lực quốc tế này, cộng với tàn dư thuộc địa, đã thổi bùng xung đột nội bộ và tạo cơ hội cho các cuộc can thiệp quân sự.

Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa mong muốn của người dân và mục tiêu của giới cầm quyền. Trong khi người dân mong muốn chính quyền và đất nước phát triển ổn định, thì các nhà lãnh đạo châu Phi thường cân nhắc lợi ích quốc tế khác nhau, trước khi tính đến nhu cầu cấp thiết của người dân.

Có thể bạn quan tâm