Phan Duy: Từ "vua tốc độ" trở thành ông chủ mô hình du lịch nông trại ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong lòng TP. Pleiku, Paksong Farmstay (34/3 Nơ Trang Long, phường Trà Bá) rộng 1 ha với mô hình du lịch nông trại đang được điều hành bởi anh Phan Duy. Chàng trai 28 tuổi đam mê tốc độ này đã quyết định từ bỏ TP. Hồ Chí Minh hoa lệ để trở về Phố núi khởi nghiệp với ý tưởng cung cấp dịch vụ sống xanh.

Anh Phan Duy xếp vị trí thứ nhất tại giải đua xe F4 Motul Driving Experience 2019 được tổ chức tại Trung Quốc. (Ảnh do nhận vật cung cấp)
Anh Phan Duy xếp thứ nhất tại giải đua xe F4 Motul Driving Experience 2019 được tổ chức tại Trung Quốc. (Ảnh do nhận vật cung cấp)

Năm 2019, Phan Duy xếp thứ nhất tại giải đua xe F4 Motul Driving Experience do hãng dầu nhớt Motul phối hợp cùng các thương hiệu ô tô thể thao tổ chức tại trường đua quốc tế Zhuhai (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Giải đua thu hút gần 100 tay lái đến từ 6 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc.

“Là người đam mê tốc độ nên với tôi, giải đua Motul Driving Experience 2019 là vô số trải nghiệm đầy mới mẻ. Ở đó, chúng tôi được lái những mẫu xe đua thể thao mới nhất. Tham gia thi đấu tại Motul Driving Experience 2019 giúp chúng tôi có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm chủ và kiểm soát chiếc xe tốt hơn”-anh Duy chia sẻ.

Anh Phan Duy tâm huyết với mô hình du lịch nông trại. Ảnh: Nguyễn Giang
Anh Phan Duy tâm huyết với mô hình du lịch nông trại. Ảnh: Nguyễn Giang


Đang đạt được những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp đua xe chuyên nghiệp và có công việc tốt tại TP. Hồ Chí Minh, anh Duy bất ngờ từ bỏ. Anh nhớ lại: “Đầu năm 2020, vợ tôi thông báo có thai em bé thứ 2 và cần tôi bên cạnh chăm sóc. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp, nhất là khi sự nghiệp đã trở thành đam mê cháy bỏng. Thế nhưng, với tôi không có gì quan trọng bằng gia đình nên tôi quyết định bỏ phố về quê”.

 Lối vào Paksong Farmstay khá ấn tượng. Ảnh: Nguyễn Giang
Lối vào Paksong Farmstay được trang trí khá ấn tượng. Ảnh: Nguyễn Giang


Công việc đầu tiên khi trở về Pleiku của anh Phan Duy là bắt tay vào việc cải tạo khu vườn rộng 1 ha nằm ngay sau lưng nhà mình tại 34/3 Nơ Trang Long. Những vườn rau xanh, chuồng thỏ, chuồng ngỗng dần hình thành. Khu vườn nhà anh Duy trở thành nơi tụ họp của bạn bè bằng những bữa tiệc nướng ngoài trời và lửa trại. Đám trẻ con thích thú nhặt trứng ngỗng, cho thỏ ăn cà rốt và hái rau xanh.

Các bạn nhỏ thu hoạch rau tại Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang
Các em nhỏ thu hoạch rau tại Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang


“Nhiều người đi qua rất muốn vào chơi nhưng ái ngại vì không quen biết mà chúng tôi lại không làm dịch vụ. Từ đó, tôi suy nghĩ tới việc mở ra mô hình du lịch nông trại để mọi người cùng nhau trải nghiệm một cuộc sống xanh ngay giữa lòng thành phố”-anh Duy bày tỏ.

Biến ý tưởng bằng hành động, anh Duy cùng vợ lên kế hoạch xây dựng Paksong Farmstay. Cái tên Paksong ra đời vì anh Duy rất nhớ và thích cao nguyên Paksong (TP. Pakse, tỉnh Champasak, Lào)-nơi anh từng sinh sống và làm việc.

Không gian xanh tại Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang
Không gian xanh tại Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang

“Cao nguyên Paksong rất trong lành, khí hậu quanh năm mát mẻ. Dù là thủ phủ của cà phê trên đất nước Lào và là địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng Paksong khá hoang sơ, lặng lẽ, rất phù hợp với những ai thích hòa mình vào thiên nhiên. Tôi chọn cái tên Paksong cho nông trại của mình cũng vì mong muốn mang tới không khí ấy cho mọi người”-anh Duy chia sẻ.

Không gian mở của Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang
Không gian mở của Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang


Paksong Farmstay là không gian hoàn toàn mở với quán cà phê, bếp, vườn và khu lưu trú. Điều đặc biệt của nơi này là chủ nhân sử dụng khá ít thiết bị công nghệ và khuyến khích khách tạm rời xa các thiết bị này để tận hưởng thiên nhiên. Ngoài dịch vụ lưu trú với giá 140 ngàn đồng/đêm cho khách sử dụng phòng tập thể và 400 ngàn đồng/đêm cho phòng gia đình (3-4 người) thì Paksong Farmstay còn phục vụ điểm tâm, cà phê sáng.

Anh Hoàng Đình Hoàng (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi rất thích đến đây vì các con tôi có chỗ vui chơi. Các con được nhặt trứng ngỗng, cho thỏ ăn, tưới rau, hái rau, say sưa chạy nhảy cùng bạn bè nên không còn nhớ tới chiếc điện thoại. Với vợ chồng tôi chỉ cần các con tự giác bỏ điện thoại xuống và chạy nhảy vui chơi đã là một niềm hạnh phúc lớn. Do đó, cuối tuần nào gia đình tôi cũng tới Paksong Farmstay để uống cà phê và tận hưởng không khí ở đây”.

Còn chị Ngô Thị Thanh Thảo (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thì thích thú: “Dù nằm ngay trong lòng thành phố nhưng Paksong Farmstay rất yên tĩnh, trong lành. Điều tôi thích nhất ở đây là không gian rất an toàn với lũ trẻ khi không có bể bơi, hồ nước. Các con tự do vui chơi mà không cần sự giám sát của bố mẹ, nhờ đó mà bản thân tôi cũng được thảnh thơi thư giản”.

 

 Khách trải nghiệm thích thú với mô hình du lịch nông trại ngay giữa lòng thành phố. Ảnh: Nguyễn Giang
Khách thích thú trải nghiệm mô hình du lịch nông trại ngay giữa lòng thành phố. Ảnh: Nguyễn Giang


Cung cấp dịch vụ du lịch nông trại trên tinh thần: bán không gian và cảm giác sống, Paksong Farmstay có những cách làm khá khác biệt. “Khách lưu trú tại Paksong sẽ được miễn phí một suất ăn sáng hoặc cà phê nếu tham gia chăm sóc rau xanh và vật nuôi trong nông trại. Miễn phí hoàn toàn cho khách tham quan và các “thượng đế” thiếu nhi vào trải nghiệm vườn rau và thăm thú các vật nuôi. Sau gần 1 tháng đi vào hoạt động, Paksong Farmstay hiện đang được người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận"-anh Duy cho hay.

Khu lưu trú với không gian mở tại Paksong Farmstay.Ảnh: Nguyễn Giang
Khu lưu trú với không gian mở tại Paksong Farmstay. Ảnh: Nguyễn Giang
Paksong Farmstay chú trọng những buổi tiệc đêm ngoài trời ấm áp. Ảnh: Nguyễn Giang
Paksong Farmstay chú trọng những buổi tiệc đêm ngoài trời ấm áp. Ảnh: Nguyễn Giang
Vui chơi cùng thỏ trong nông trại. Ảnh: Nguyễn Giang
Các em nhỏ vui chơi cùng thỏ trong nông trại. Ảnh: Nguyễn Giang

NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.