Phân bón đã tăng lên 1,3 triệu/bao, giờ giá xăng dầu lại tăng cao, nông dân Lâm Đồng nhìn vườn cà phê mà ngao ngán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa biết sản lượng cà phê cuối năm nay sẽ như thế nào, giá cả có cao hay không, nhưng chi phí đầu tư ban đầu thì đã tăng đến chóng mặt.

Đó là tâm trạng chung của nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự lo lắng trước niên vụ cà phê mới - năm 2022, khi giá xăng, dầu tăng phi mã, cùng giá các loại vật tư đầu vào khác đều tăng cao, khiến chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp cũng tăng tương ứng.

 

 Niên vụ cà phê 2022, việc tưới nước cho cây cà phê thuận lợi hơn niên vụ 2021. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng, khiến nông dân trồng cà phê Lâm Đồng đối mặt nhiều khó khăn vì chi phí cho việc mua dầu chạy máy tưới nước tăng cao.
Niên vụ cà phê 2022, việc tưới nước cho cây cà phê thuận lợi hơn niên vụ 2021. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng, khiến nông dân trồng cà phê Lâm Đồng đối mặt nhiều khó khăn vì chi phí cho việc mua dầu chạy máy tưới nước tăng cao.


“Niên vụ trước, nếu tiền dầu chạy máy tưới nước cho 1 ha cà phê chỉ rơi vào tầm 300 ngàn đồng/lượt, thì niên vụ này chi phí cho việc mua dầu chạy máy tưới nước tiêu tốn 600 - 700 ngàn đồng/lượt”, ông K’Tơn, người trồng cà phê ở xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), cho biết.

Theo ông K’Tơn, việc xăng, dầu tăng giá đã tạo áp lực không hề nhỏ đối với những người trồng cà phê. Bởi giá xăng, dầu tăng, kéo theo giá các vật tư cũng tăng, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người trồng cà phê vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

“Năm nay, việc tưới nước cho cây cà phê ít vất vả hơn so với năm trước, vì thời tiết có phần mát mẻ hơn, lượng nước tích trữ trong ao, hồ cũng dồi dào hơn. Tuy nhiên, chúng tôi lại đang đối mặt với việc tăng chi phí đầu tư vì giá xăng, dầu tăng”, ông K’Tơn cho hay.

Chia sẻ khó khăn này với ông K’Tơn, bà Phạm Thị Hương, người trồng cà phê ở xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), lo lắng: “Nếu giá cả các mặt hàng cứ tiếp tục tăng thì việc đầu tư, chăm sóc cây cà phê chắc chắn sẽ thua lỗ”.

Bà Hương chia sẻ rằng, chẳng những giá xăng, dầu tăng, phân bón cũng tăng rất cao, đẩy chi phí đầu tư rất lớn, trong khi mùa vụ cà phê vẫn còn ở phía trước, chưa ai biết giá cả sẽ ra sao, sản lượng sẽ như thế nào.

“Ở niên vụ cà phê 2021, một bao phân vô cơ hỗn hợp loại 50 kg có giá từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng”, bà Hương cho biết.

Trước tình hình vật giá đầu vào đang leo thang, ông Trần Văn Mạnh, người trồng cà phê ở xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), đã áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững như kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ, nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, kéo giảm tối đa chi phí đầu tư.

Ngoài ra, ông Mạnh cũng trồng xen canh sầu riêng, bơ vào rẫy cà phê, kết hợp trồng cây che bóng để giảm thời lượng tưới nước...

Tương tự, ông Đinh Văn Đông, người trồng cà phê ở xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), lựa chọn canh tác cà phê theo hướng hữu cơ để giảm bớt chi phí đầu tư.

Theo ông Đông, bên cạnh ích lợi tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, canh tác cà phê theo hướng hữu cơ còn giúp người trồng tiết kiệm được 30% chi phí đầu tư.

Để thích ứng với việc các loại vật giá tăng cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cũng đã đưa ra khuyến cáo nông dân cần áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến để tiết kiệm thời gian tưới và lượng nước tưới nhằm giảm chi phí tiền xăng dầu.

Đồng thời, nông dân cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ làm từ các phụ, phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng, cũng như thay thế một phần các loại phân bón hóa học để giảm chi phí và góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng sinh trưởng tốt.

Theo Triều Ka (Báo Lâm Đồng)

https://danviet.vn/phan-bon-da-tang-len-13-trieu-bao-gio-gia-xang-dau-lai-tang-cao-nong-dan-lam-dong-nhin-vuon-ca-phe-ma-ngao-ngan-20220312235228065.htm

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.