Phá gần 200 ha rừng thông để đổi lấy dự án mắc ca èo uột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở KH-ĐT Kon Tum vừa cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này về dự án đầu tư trồng cây mắc ca do Công ty TNHH Đăng Vinh (trụ sở ở Bình Định) làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đầu năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định thu hồi 198 ha đất rừng thông tại tiểu khu 481 thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông (TT.Măng Đen, H.Kon Plông), đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất sang đất trồng cây lâu năm và cấp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Đăng Vinh thực hiện dự án trồng mắc ca với thời hạn 50 năm. Công ty này cam kết từ tháng 5.2017 đến năm 2020 sẽ trồng 177 ha mắc ca; từ năm 2021 cây mắc ca sẽ cho thu hoạch và hoàn thành các hạng mục xây dựng của dự án. Khi dự án được phê duyệt, cánh rừng thông trên 20 năm tuổi dọc QL24 đã bị cưa hạ, san ủi thành những quả đồi trọc.

200 ha rừng thông đã bị đánh đổi lấy dự án mắc ca èo uột. Sau 5 năm, cây mắc ca chỉ cao hơn gang tay. Ảnh: Đức Nhật
200 ha rừng thông đã bị đánh đổi lấy dự án mắc ca èo uột. Sau 5 năm, cây mắc ca chỉ cao hơn gang tay. Ảnh: Đức Nhật
Mới đây, Sở KH-ĐT Kon Tum lập đoàn kiểm tra dự án trên và xác định nhà đầu tư đã trồng khoảng 150 ha cây mắc ca. Trong đó có khoảng 15 ha trồng thí điểm xen canh 4.000 cây ăn trái (mít, bưởi nhưng hầu hết phát triển kém, đã chết); 20 ha sinh trưởng, phát triển chậm. Số diện tích còn lại, cây mắc ca sinh trưởng bình thường nhưng mật độ chỉ từ 180 - 200 cây/ha (đạt 72 - 80% so với hồ sơ thiết kế ban đầu); một số diện tích có dấu hiệu bị sâu bệnh, vàng lá; chỉ một số ít cây mắc ca đang cho quả lứa đầu.
Cũng theo Sở KH-ĐT Kon Tum, số lượng cây trồng thuộc dự án chưa bảo đảm quy mô, mật độ trên diện tích đất được cấp, chất lượng cây giống và công tác chăm bón chưa phù hợp với địa hình, khí hậu thuộc khu vực dự án nên cây sinh trưởng chậm, cây chết nhiều nhưng chưa được nhà đầu tư trồng bổ sung… Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những đồi thông trước đây bị phá để trồng mắc ca nay thực bì rất dày, cây mắc ca chỉ mọc lưa thưa. Có thể thấy ngay, mắc ca trồng ở đây phát triển rất kém, thậm chí nhiều nơi cây chỉ cao bằng gang tay.
Do phát triển èo uột nên dự án trồng mắc ca đã 2 lần được UBND tỉnh Kon Tum cho điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện dự án tiếp tục xin UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 3, thời hạn đến ngày 31.12.2023 hoàn thành dự án.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở KH-ĐT rà soát các nội dung liên quan đề nghị của Công ty TNHH Đăng Vinh về việc điều chỉnh dự án để tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định; đồng thời làm việc với nhà đầu tư để thống nhất có văn bản cam kết hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đưa dự án đi vào vận hành trước ngày 31.12.2023. Trong trường hợp tới thời hạn cho phép, nhà đầu tư chưa hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết thì dự án sẽ bị thu hồi và không được bồi thường chi phí đã đầu tư.
Theo Đức Nhật (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.