Ông giáo sở hữu khu rừng thông Caribe độc nhất vô nhị ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một ông giáo ở huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đang sở hữu khu rừng thông giống Caribe độc nhất vô nhị. Mặc dù đã có nhiều người ngã giá tiền tỉ nhưng người này quyết tâm không bán mà để bảo vệ thiên nhiên, phát triển du lịch. 
Rừng thông của thầy Nam được trồng từ năm 2004. Ảnh: Phan Tuấn
Rừng thông của thầy Nam được trồng từ năm 2004. Ảnh: Phan Tuấn
Duyên nợ với việc rừng
Năm 1995, ông Hoàng Nam từ tỉnh Quảng Trị vào xã Đắk Som, huyện Đắk Glong làm giáo viên dạy Toán. Những năm đầu đến lập nghiệp ở vùng đất mới, thầy Nam đã mua đất với ý định sản xuất nông nghiệp.
Thế nhưng, năm 2004, 3 người con của thầy Nam đều đi học, nên không có người lao động. Lúc này, thầy Nam quyết định trồng rừng thông để vừa giữ đất, vừa tạo nguồn thu nhập lâu dài. Thầy Nam chia sẻ, trồng rừng thông giai đoạn đầu bỏ vốn nhiều, nhưng về sau không tốn công chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện gia đình ông khi đó.
Hiện nay, thầy Nam đã phát triển được khu rừng thông rộng 2ha, với hơn 2.400 cây thông thuộc dòng thông Caribe ở Châu Mỹ. Trong đó, nhiều cây thông có đường kính khoảng 45cm và tạo thành một màu xanh mướt.
Theo thầy Nam, giống thông Caribe có sức sống mạnh. Giống thông này chỉ tốn công chăm sóc khoảng 2 năm đầu, sau đó chủ yếu tự phát triển. Hiện nay, thông đang đến thời kỳ bắt đầu đủ tuổi khai thác với lượng gỗ khá lớn. Vì thế, có rất nhiều người đến đặt vấn đề mua toàn bộ rừng thông để khai thác gỗ.

Nhiều cây thông do thầy Nam trồng có đường kính hơn 45cm. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều cây thông do thầy Nam trồng có đường kính hơn 45cm. Ảnh: Phan Tuấn
"Có một số người đã ngã giá gần 1,4 tỉ đồng cho 2ha thông, nhưng gia đình tôi không bán. Bởi rừng thông đang mang lại giá trị môi trường rất lớn. Tôi không bán vì muốn bảo vệ môi trường và cũng giữ lại những ký ức của gia đình về những thời kỳ khó khăn" - thầy Nam cho biết.
Giữ rừng thông để phát triển du lịch
Lợi thế khu rừng thông của thầy Nam là nằm cạnh Quốc lộ 28, sát với hồ Tà Đùng, nên gia đình thầy Nam đang muốn tận dụng rừng thông để phát triển du lịch. Thầy Nam đang làm đường, tạo cảnh quan để biến rừng thông thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Thầy cũng đang chuẩn bị một số kế hoạch dài hơi để liên kết đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở dịch vụ, tạo thành điểm nhấn du lịch ở Tà Đùng.
Thầy Nam chia sẻ: "Tôi thấy xã hội đang phát triển không ngừng và có xu hướng là con người muốn sống gần gũi với thiên nhiên hơn. Do đó, tôi muốn biến rừng thông thành điểm đến thú vị cho nhiều người. Sau những giờ làm việc trên giảng đường, tôi cũng thường dành thời gian đi dạo quanh rừng thông, nơi có không gian thoáng mát, trong lành, để tinh thần được sảng khoái hơn".
Ngoài rừng thông, thầy Nam còn có 5ha rừng bạch đàn Úc đã trồng 13 năm. Giống bạch đàn này thân cây thẳng, hiện đã cao khoảng 15m, đường kính từ 25cm - 40cm. Đến nay, rừng bạch đàn cũng đang bước vào giai đoạn khai thác với giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha, nhưng thầy Nam cũng không bán vì muốn giữ lại giá trị về môi trường và để làm du lịch trong tương lai.

Rừng thông của ông Nam rộng hơn 2ha. Ảnh: Phan Tuấn
Rừng thông của ông Nam rộng hơn 2ha. Ảnh: Phan Tuấn
Thời gian qua, rừng thông và rừng bạch đàn của thầy Nam đã thu hút được khá nhiều người đến tham quan và họ đều tỏ ra rất thích thú. Nhất là đối với những người ở thành phố, họ rất thích được trải nghiệm ở một khu rừng đặc biệt như rừng thông, bạch đàn của thầy Nam.
Chị Lê Văn Sơn - một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết: "Tôi rất bất ngờ về rừng thông này, một giống thông khá đặc biệt, thân và lá đẹp. Nếu tận dụng để làm du lịch trải nghiệm thì đây sẽ là điểm đến hấp dẫn với nhiều người".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng thông của thầy Nam là rừng thông Caribe duy nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Qua theo dõi quá trình phát triển của rừng thông đã cho thấy, loại thông có nguồn gốc từ châu Mỹ này rất phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở Đắk Nông.
Do đó, người dân và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng hoàn toàn có thể trồng và phát triển diện tích thông Caribe. Trước mắt, do thấy được hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường ở mức cao, nên nhiều người dân trên địa bàn Đắk Som cũng đã tiến hành trồng loại thông này, với tổng diện tích hơn 3ha.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm