Ông Giám đốc Đak Lak trồng nấm kiểu gì mà thu tiền tỷ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tư vấn, xây dựng và bất động sản ở Đắk Lắk, nhưng với niềm đam mê về nông nghiệp, anh Đoàn Xuân Trường đã mạnh dạn chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp sạch, trở thành doanh nhân tiên phong trồng nấm hữu cơ ở khu vực Tây Nguyên…
Quyết tâm phát triển nông nghiệp sạch từ trồng nấm hữu cơ
Xuất thân từ miền quê với những cánh đồng lúa xanh mướt, những cồn biển đẹp đến nao lòng của huyện Thái Thụy (Thái Bình), tốt nghiệp cấp III, chàng trai trẻ Đoàn Xuân Trường nhập học ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành xây dựng cầu đường.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng kỹ sư trẻ về công tác tại Ban Quản lý Dự án huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Công tác hơn 5 năm nhưng với mong muốn thử thách mình trong môi trường mới, đến năm 2009, anh Trường chủ động xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để thử sức trong lĩnh vực về tư vấn và xây dựng.
Sau 10 năm gắn bó với kinh doanh, anh Đoàn Xuân Trường trở thành một doanh nhân thành đạt; Thành Đồng Group do anh sáng lập và điều hành đã tạo được chỗ đứng về lĩnh vực bất động sản, tư vấn, xây dựng trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk.
Tuy đã có những thành công về mặt kinh doanh, nhưng với niềm đam mê về nông nghiệp, cũng như mong muốn phát triển những sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Trường đã đi khắp các mô hình trồng nấm để tham khảo và học tập kinh nghiệm.
Trong những lần thăm quan các mô hình trồng nấm trong và ngoài nước, nhận thấy những nơi có nền nông nghiệp phát triển đều gắn chặt với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; cùng với việc nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, những lo ngại về tình trạng thực phẩm bẩn của người dân, anh Đoàn Xuân Trường đã quyết tâm theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao, nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn cho người dân.
Anh Trường cũng đã chủ động tìm ra Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn.
Sau khi đã học hỏi được các quy trình, kỹ thuật sản xuất nấm, anh Trường quyết định triển khai xây dựng Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời ở thôn 6, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Mô hình trồng nấm công nghệ cao của anh Đoàn Xuân Trường đã từng bước khẳng định được thương hiệu
Mô hình trồng nấm công nghệ cao của anh Đoàn Xuân Trường đã từng bước khẳng định được thương hiệu.
Đầu tư mô hình trồng nấm công nghệ cao, trọng dụng người tài
Thời gian đầu khi dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp, anh Đoàn Xuân Trường nhận không ít sự khuyên can từ gia đình và đồng nghiệp vì lo lắng lĩnh vực này khác xa so với mảng anh đang kinh doanh ổn định.
Anh Trường chia sẻ: "Khi bắt đầu triển khai mô hình trồng nấm, chưa được một năm thì dịch Covid-19 bùng phát, việc tiếp nhận kiến thức từ Viện nghiên cứu và phát triển nấm đều phải học online; mô hình thì không có người làm, bản thân tôi quyết ở lại trong vườn chỉ để mày mò, xây dựng từng khu sản xuất, chế biến…".
"Nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua được nhưng với những gì đã bỏ ra, bản thân tôi tự đặt quyết tâm là không còn đường lùi mà phải đi đến cùng đam mê mà mình đã lựa chọn", anh Trường nói.
Khi mô hình được xây lên, nhiều lần trồng thử nghiệm nấm gặp thất bại do nấm là giống cây dễ bị nhiễm bệnh, đòi hỏi quy trình sản xuất sạch.
Với quy mô sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ, nấm ít bệnh, nhưng khi trồng ở quy mô lớn thì nấm lại dễ gặp nhiều loại bệnh, gây không ít khó khăn cho mô hình. Không để cái khó bó cái khôn, anh Trường liên tục cải tiến mô hình cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Tây Nguyên, cũng như điều chỉnh thông số của quy trình trồng nấm.

Anh Đoàn Xuân Trường đầu tư mô hình trồng nấm công nghệ cao, trọng dụng người tài.
Anh Đoàn Xuân Trường đầu tư mô hình trồng nấm công nghệ cao, trọng dụng người tài.
Bên cạnh đó, anh Trường cũng tuyển dụng những kỹ sư chuyên mảng nông nghiệp về đồng hành cùng mình để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch bền vững, bởi anh tâm niệm, trong bất kỳ lĩnh vực gì, muốn phát triển bền vững thì yếu tố con người là quan trọng nhất.
Chính những lần ra học tại Viện, cùng với sự tâm huyết của mình, anh Trường đã thuyết phục được những kỹ sư đang công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng anh về Đắk Lắk xây dựng mô hình nấm, trong đó có đôi vợ chồng kỹ sư trẻ là anh Hoàng Khắc Cưng (SN 1997) và chị Lại Huyện Lương (1998).
Anh Cưng cho biết: "Bản thân tôi lúc đó đang là cán bộ của Viện, nhưng khi trao đổi với anh Trường, tôi cùng vợ ngay khi làm đám cưới vào tháng 12/2021, là bay ngay vào Đắk Lắk để bắt tay vào công việc.
Lúc đầu, khi hai vợ chồng quyết định vào đây, người thân và bạn bè đều phản đối quyết liệt. Vì đang làm cán bộ với công việc trong nhà nước ổn định, gia đình đều ở ngoài đó, nhưng khi thấy được mô hình anh Trường đang xây dựng và đặc biệt là cảm nhận được tâm huyết của anh nên tôi với vợ quyết tâm cùng chung tay sản xuất những sản phẩm nấm bền vững trên quê hương mới…"
Có những người đồng hành cùng chí hướng, cùng với sự hỗ trợ về mặt công nghệ của Viện, mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời đã bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả…

Mô hình trồng nấm công nghệ cao của anh Trường được các đoàn thăm quan trong và ngoài nước biết đến.
Mô hình trồng nấm công nghệ cao của anh Trường được các đoàn thăm quan trong và ngoài nước biết đến.
Mùa nấm "ngọt"
Sau tất cả những quyết định và bước đi có phần mạo hiểm, cũng như chính sách thu hút người tài của mình, anh Trường đang dần chứng tỏ được sự đúng đắn trong đầu tư nông nghiệp sạch và nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng.
Đến nay, sau 3 năm triển khai Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời có quy mô 6.000m2, đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGap; với các sản phẩm nấm mèo, nấm sò, bào ngư và linh chi; cho sản lượng nấm ăn 50 tấn/năm và nấm dược liệu từ 3 đến 5 tấn/năm; doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân tại địa phương, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Anh Trường tâm sự: "Để có được thành công thì yếu tố con người phải đặt lên hàng đầu, do nấm là sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự cẩn thận, cẩn trọng, có rất nhiều yếu tố nên nếu chỉ cần một sơ sẩy là trại nấm bị nhiễm bệnh phải đổ bỏ nên con người chính là yếu tố quan trọng nhất. Thứ hai là việc đầu tư công nghệ vào sản xuất để bảo đảm năng suất, chất lượng liên tục và đồng đều từ khâu chọn, cấy giống, đóng bịch, hấp, tiệt trùng… tất cả đều được tự động hóa và giám sát. Thứ ba là những yếu tố như đất, nước đều phải bảo đảm sạch nên nếu như trước đây mức nhiễm bệnh của nấm từ 5 đến 10% thì hiện nay nấm của mô hình xuất ra đều không bị nhiễm bệnh, chất lượng sản phẩm bảo đảm…".

Mô hình trồng nấm của anh Trường hướng tới xây dựng sản phẩm nấm hữu cơ đạt chuẩn OCOP 5 sao của tỉnh.
Mô hình trồng nấm của anh Trường hướng tới xây dựng sản phẩm nấm hữu cơ đạt chuẩn OCOP 5 sao của tỉnh.
Với chính sách đãi ngộ người tài, cùng với sự vận hành và quy mô bài bản, mô hình trồng nấm của anh Trường đang dần được chọn làm nơi khảo nghiệm giống nấm mới của Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; thời gian tới tiếp tục được chọn khảo nghiệm trồng các giống nấm linh chi mới, nấm vân chi và nấm hầu khỉ…
Bên cạnh đó, mô hình của anh cũng được các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đó chính là niềm động viên, khích lệ lớn đối với một doanh nhân dám nghĩ và dám làm.
Anh Trường chia sẻ: "Sắp tới, tôi sẽ mở rộng quy mô lên mô hình lên 3 ha trồng nấm công nghệ cao, bảo đảm việc làm cho khoảng 50 đến 100 công nhân; phối hợp, chuyển giao công nghệ trồng nấm cho người dân địa phương trồng và thu hái dưới sự giám sát của đơn vị. Bên Công ty sẽ bảo đảm tiêu thụ cho người dân, cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra luôn ổn định…; hướng tới xây dựng sản phẩm nấm hữu cơ đạt chuẩn OCOP 5 sao của tỉnh.
Cùng với đó, tôi tiếp tục học thêm các chương trình tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bổ sung thêm các kiến thức bổ ích, hướng tới sản xuất thêm các sản phẩm nông nghiệp sạch ngày một trở nên hiệu quả…"
Theo Trung Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm