Gọi ông là “Ông già Pô Kô” cũng không quá bởi ông là một trong vài người già nhất ở làng Nú (xã Ia Krái, huyện Ia Grai), sống bên dòng Pô Kô này.
Ông bà cùng hai cháu ngoại. Ảnh: T.Đ.L |
Trong những lần vào ấp Chư Nghé, Rah Lan Pênh tranh thủ tập hợp chị em phụ nữ ra rừng để họp. Nội dung chính của những cuộc họp này là nói về Bác Hồ kính yêu, về con đường giải phóng dân tộc. Rah Lan Pênh còn tranh thủ kêu gọi chị em không nghe lời và không đi theo địch, không lấy chồng là ngụy quân ngụy quyền, phải tin tưởng và giúp đỡ cách mạng. Trong những lần sinh hoạt ấy, chàng trai Rah Lan Pênh đã phải lòng cô gái Jrai xinh đẹp có tên Ksor Pyếp. Bà Pyếp bẽn lẽn cười, kể lại: Hồi đó, Rah Lan Pênh khỏe khoắn, đẹp trai, nói hay, hát dân ca Jrai cũng rất hay. Không phải một mình Pyếp “chấm” Rah Lan Pênh đâu, mà có rất nhiều cô gái trong làng cũng muốn “ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu” với chàng trai tài hoa này. Còn chàng trai Rah Lan Pênh thì cái bụng cũng chỉ ưng có một mình Pyếp. Vậy là, họ yêu nhau. Rah Lan Pênh thì chèo đò đưa bộ đội sang sông, bám ấp vận động nhân dân. Còn Ksor Pyếp thì tham gia chuyển đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội.
Tình yêu được nảy nở trong khó khăn, bom đạn, trong tình yêu cách mạng nên hết sức bền chặt và vô cùng lãng mạn. Có nhiều đêm, Rah Lan Pênh chèo thuyền độc mộc, chở cô gái Ksor Pyếp xuôi dòng Pô Kô, vào rừng bẻ măng, hái hoa và tâm tình. Ông cười: “Hồi đó tuy không sợ giặc, không sợ hy sinh, nhưng trước con gái thì tôi nhát lắm. Chỉ có hai đứa ở trong rừng mà cũng không dám nắm tay nhau”.
Năm 1968, Rah Lan Pênh chính thức xin phép tổ chức cho cưới Ksor Pyếp làm vợ. Đám cưới không có heo gà, không có rượu cần, chỉ có đồng đội sum vầy chung vui, chỉ có tình yêu cháy bỏng và lãng mạn của hai người. Sau khi cưới, Rah Lan Pênh động viên vợ bỏ ấp, vào hẳn trong rừng để giúp đỡ cách mạng. Công việc chính của Ksor Pyếp lúc ấy là tải đạn, tải thương và lương thực. Bà kể bằng vốn ngôn ngữ phổ thông bập bẹ: “Hồi đó khỏe lắm, có hôm gùi gạo, gùi đạn trên lưng nặng bằng bản thân mình. Có nhiều lần cõng bộ đội bị thương nặng hơn cả chính mình mà cứ chạy băng băng trong rừng…”. Có thể nói, đây chính là thời gian thử thách tình yêu của hai người bởi tiếng là vợ chồng nhưng họ chẳng mấy khi được gặp nhau: “Pyếp thì ở hẳn trong rừng với chị em dân công làm nhiệm vụ, còn Rah Lan Pênh thì bám ấp, bám làng, rồi chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông”. Rah Lan Pênh kể thật thà: “Nhớ nhau lắm, nhớ đến phát sốt. Nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả nên đành phải hy sinh tình cảm riêng tư”.
Năm 1973, bộ đội và du kích phá ấp trong trận đánh đồn Chư Nghé. Lúc này, hai người mới chính thức được ở gần bên nhau- mặc dù vẫn không thường xuyên. Cuối năm 1973, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái khi đứa con đầu lòng- cô gái Ksor Pyinh cất tiếng khóc chào đời. Tiếp sau đó cho đến năm 1990, Rah Lan Pênh và Ksor Pyếp có thêm bốn người con nữa là Ksor Bên, Ksor Ngoan, Ksor Khoen và Ksor Jih.
Đất nước thống nhất, làng Nú dời về làng cũ bên bờ sông Pô Kô yên bình. Ông bà cùng với dân làng làm thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, học cách trồng lúa nước, sau đó là trồng cà phê, trồng điều… Những lúc rảnh rỗi, ông lại vào rừng tìm cây gỗ to, hạ xuống để đẽo thuyền độc mộc. Không bán, chỉ đẽo thuyền độc mộc giúp dân làng thôi, làm xong, người ta mời bữa rượu là vui lắm rồi. Tính ông vốn vậy. Người Jrai vốn vậy. Người Tây Nguyên cũng vốn vậy: Thủy chung, rộng rãi và khoáng đạt như ngọn gió lướt trên dòng Pô Kô!