Nữ giám đốc 9x

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trẻ trung, năng động, nhanh nhẹn, Lê Thị Khánh Ly (thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong, thành phố Kon Tum) đã tự thân lập nghiệp khi mới 23 tuổi và mạnh dạn tìm lối đi riêng cho chính mình.

Tạo cơ hội cho chính mình

Tôi có ấn tượng sâu sắc ngay lần đầu gặp Ly. 26 tuổi, Ly trẻ, xinh xắn và tạo cho mình phong thái rất tự tin. Bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp, Ly khẳng định mình không liều, vì đã chuẩn bị sẵn sàng và hiểu rất rõ việc mình đã và đang làm. “Em không sợ thất bại. Nếu có thất bại thì em cũng sẵn sàng làm lại từ đầu”- Ly quả quyết.

Ngay từ năm thứ 2 đại học, Ly đã bắt đầu tự tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình. Cô vừa học, vừa theo thầy cô học kỹ thuật làm nấm. Ban đầu, chưa quen, sau, với quyết tâm cao, trong suốt quá trình vừa học vừa làm, Ly “dắt túi” kỹ thuật làm phôi, làm nấm theo chỉ dạy.

Ra trường, không trông đợi vào bố mẹ, Ly lên Đà Lạt xin việc. “Trong suốt quá trình đi làm, thấy nếu cứ làm công ăn lương thì rất khó phát triển. Với kiến thức sẵn có, em suy nghĩ rất nhiều về việc về quê khởi nghiệp. Em nhận thấy, ở Kon Tum chưa có nhiều cơ sở tự làm phôi nấm mà chủ yếu nhập phôi về sản xuất nấm. Suy nghĩ nhiều, em quyết tâm về quê hương, tự tìm cơ hội cho mình” – Ly kể lại.

Lê Thị Khánh Ly kiểm tra các bì phôi nấm. Ảnh: H.T

Lê Thị Khánh Ly kiểm tra các bì phôi nấm. Ảnh: H.T

23 tuổi, trở về quê nhà ở thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong, Ly bắt đầu thực hiện dự định của mình. Cô dành thời gian đi tìm hiểu thị trường, nắm bắt nhu cầu tại địa phương. Ngoài các tiểu thương ở chợ, khi tìm kiếm được các nguồn mối lớn, Ly mới bắt tay vào sản xuất.

Vừa làm, Ly vừa kết nối với các tiểu thương, các đầu mối để cung cấp nấm. “Em xác định là mình sẽ bị lỗ thời gian đầu. Thế nhưng không bị lỗ mà còn có lời. Khi thấy nấm của em chất lượng, các đầu mối nhập với giá cao hơn” – Ly chia sẻ.

Vừa làm vừa tìm hiểu, nhận thấy trên địa bàn có sẵn nguyên liệu mùn cây cao su, Ly liền thực hiện ý định đã ấp ủ từ lâu: Sản xuất phôi nấm. Không chỉ chủ động nguồn phôi cho sản xuất, cô còn cung cấp phôi nấm cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh khác, như Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định.

Với suy nghĩ, còn trẻ phải tự tìm kiếm cho mình các cơ hội mới, khi đang sản xuất nấm và phôi nấm, Ly tìm hiểu và mạnh dạn tìm hiểu và tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng thêm thực tế triển khai có hiệu quả, khả thi, ý tưởng “Xây dựng hệ thống nấm ăn, nấm dược liệu” của Ly đã đạt giải xuất sắc.

Chia sẻ cơ hội cho mọi người

Vận dụng những điều mình đã được học vào cuộc sống, Ly nghĩ, phải mở rộng sản xuất. Và muốn bền vững, cần có sự liên kết cùng thực hiện. Suy nghĩ thấu đáo, Ly nghĩ đến việc thành lập hợp tác xã.

Từ mạng xã hội, Ly chia sẻ ý tưởng và tìm kiếm những người cùng đam mê. Chỉ ngay sau đó, nhiều người ở xã Kroong đã liên hệ, bày tỏ nguyện vọng và quyết tâm cùng Ly thực hiện ý tưởng xây dựng hệ thống trồng nấm ăn và nấm dược liệu sinh thái, tạo ra một hệ sinh thái trong trồng nấm.

Thành viên hợp tác xã miệt mài làm việc. Ảnh: H.T

Thành viên hợp tác xã miệt mài làm việc. Ảnh: H.T

Kế hoạch được vạch ra cụ thể, 10 thành viên (trong đó có 5 thành viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học) kết hợp thành lập Hợp tác xã hữu cơ Biology. Các thông số: vốn đầu tư ban đầu, nguồn vốn đầu tư, doanh thu, chi phí hoạt động, các thông số khác được thể hiện chi tiết, tỉ mỉ, các thành viên cùng triển khai. Theo đó, Ly góp cao nhất với số vốn 200 triệu đồng; và các thành viên cùng đóng góp, nâng tổng số vốn lên 1 tỷ đồng. Ly làm Giám đốc Hợp tác xã.

Với thỏa thuận được nêu cụ thể, số tiền lợi nhuận sẽ tính theo phần trăm số vốn bỏ ra, các thành viên thống nhất thực hiện.

Ly cho biết, ban đầu, trong nhóm, chỉ có 5 thành viên biết làm nấm. Do đó, ngay khi thành lập hợp tác xã, Ly đã cùng hướng dẫn kỹ thuật để mọi người đều làm thành thạo. Đặc biệt, khi có vốn, hợp tác xã đã nhập các loại máy móc, thiết bị, đầu tư làm nhà xưởng. Và đầu năm 2023, hợp tác xã chính thức hoạt động.

Bà Lê Thị Thu Hồng, thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong, thành viên Hợp tác xã cho biết, bà góp 40 triệu đồng để cùng thực hiện. Thấy cách Ly làm việc, tìm kiếm thị trường, cũng như các thành viên khác, bà rất yên tâm. “Ly năng động, làm việc khoa học, tính toán kỹ càng, các khâu đều được triển khai rõ ràng, minh bạch nên mọi người rất tin tưởng. Ly còn trẻ nhưng rất quyết đoán. Có sức khỏe, sức trẻ, Ly mang lại luồng gió mới cho bà con nông dân ở xã. Ít ra, ngoài việc làm nông, khi tham gia hợp tác xã, chúng tôi được tiếp cận thêm mô hình mới, biết cách áp dụng kỹ thuật vào sản xuất” – bà Hồng bày tỏ.

Hiện nay, theo tính toán, lợi nhuận một tháng từ bán nấm và bán phôi khoảng 150 triệu đồng. “Mỗi thành viên sẽ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trước mắt, vì máy móc chưa đầy đủ, mọi người đang phải làm thủ công nhiều nên có nhiều đơn vị đặt hàng nhưng Hợp tác xã chưa dám nhận. Khi có thêm nguồn vốn, dự định, Hợp tác xã sẽ đầu tư thêm các loại máy hấp, máy trộn để làm kịp đơn hàng đã đặt và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ” – Ly cho hay.

Không dừng lại ở diện tích 144m2, hiện tại, Ly đang làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để mở rộng xưởng ra khoảng 500m2, triển khai trồng đa dạng các loại nấm để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn nữa.

“Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên, trước mắt, em thấy tạo được việc làm cho người dân ở xã đã là bước khởi đầu tốt đẹp. Hơn nữa, sản phẩm mình làm ra an toàn, mang lại nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, không hóa chất độc hại... cũng là một trong những điều ý nghĩa. Em tin rằng, có ý chí, có quyết tâm, có niềm tin, đất sẽ không phụ công người” – Ly khẳng định.

Có thể bạn quan tâm