(GLO)- Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu mà tỉnh ta đang hướng tới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Những điểm sáng
Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Công ty hiện có khu nhà kính 5 ha trồng rau theo phương pháp thủy canh, sử dụng công nghệ tưới, chăm sóc tự động hiện đại của Israel. Mỗi ngày, Công ty thu hoạch 1,5 tấn rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với giá cao hơn 30% so với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Cũng triển khai mô hình sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê) đang trồng 31 chủng loại rau trên diện tích 22 ha. Theo bà Trần Thị Thu-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã An Bình-thì mô hình trồng rau thủy canh đảm bảo an toàn thực phẩm nhờ tuân thủ các quy định về chăm bón, nguồn nước, nhiệt độ... quanh khu vực canh tác. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã xuất 4-5 tấn rau củ quả ra thị trường Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế với giá bán cao hơn sản phẩm thông thường 10-20%. “Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ thu hút thêm thành viên tham gia; liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị cao hơn”-bà Thu nói.
Vườn hồ tiêu của anh Ngô Văn Tiên (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) được cấp chứng nhận VietGAP. Ảnh: N.S |
Bên cạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, chen chân vào các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, một số địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo trong tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng phương pháp canh tác bền vững “3 giảm, 3 tăng”, công nghệ sinh thái, cơ giới hóa đồng ruộng... nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao theo xu thế phát triển nông nghiệp tất yếu hiện nay. Tại huyện Phú Thiện đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa đạt năng suất cao, chất lượng hạt gạo tốt, cơm ngon với các giống lúa TBR225, LH12, OM4900, JO2.. Tổng sản lượng lúa hàng năm ở huyện Phú Thiện đạt 80.000-85.000 tấn. Sản phẩm gạo của huyện hiện đã có mặt tại các thị trường như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Kon Tum. Lợi nhuận từ việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tăng thêm 3-3,5 triệu đồng/ha. Đây là tiền đề để huyện Phú Thiện mở rộng quy mô sản xuất lúa theo cánh đồng lớn với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo của địa phương.
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng đã có bước phát triển nhất định. Các huyện có thế mạnh về chăn nuôi như: Đak Pơ, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Sê, Chư Pah... đã tập trung cải thiện chất lượng con giống, nâng cao chất lượng thịt, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với doanh nghiệp để phát triển đàn gia súc, gia cầm bền vững. Ông Lê Văn Công-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Gia Lai-cho biết: Người dân 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang ký kết hợp tác chăn nuôi với Công ty 60.000 con heo/80 trang trại và 10 trại gà, mỗi trại 16.000 con. Mỗi ngày, Công ty xuất 35 tấn heo, 3.000 con gà. Những hộ tham gia hợp tác với Công ty tiếp cận được cách chăn nuôi khép kín, hiện đại để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao. Toàn bộ các trại chăn nuôi được thiết kế theo công nghệ cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn cách nuôi thông thường.
Trong sản xuất hồ tiêu-một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh-cũng đã hình thành các mối liên kết. Điển hình là các hộ nông dân tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã hình thành tổ sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch đầu tiên của tỉnh. Hiện tổ liên kết sản xuất này có 70 thành viên với 100 ha hồ tiêu; đã có 36 hộ được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Ngô Văn Tiên-Tổ trưởng Tổ liên kết-cho biết, bà con nông dân tham gia Tổ liên kết đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay trong sản xuất. Bên cạnh đó, nông dân liên kết với các doanh nghiệp cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá đầu vào ở mức thấp nhất. Tương tự, đầu ra cũng được nông dân lựa chọn đối tác nhằm loại bỏ các chi phí không cần thiết qua khâu trung gian. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm làm ra luôn có giá bán cao gấp đôi so với sản phẩm thông thường.
Mở rộng vùng sản xuất công nghệ cao
Trao đổi với chúng tôi về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút hơn 20 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chính như: rau, trái cây, hồ tiêu, cà phê, hoa và chăn nuôi. Trong đó có 1 dự án đã được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, năm 2018, toàn tỉnh đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố tổ chức được phiên chợ nông sản an toàn; hỗ trợ 111.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân”.
Thu hoạch lúa ở huyện Phú Thiện. Ảnh: N.S |
Cũng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 23.571 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây dựng được 155 cánh đồng lớn với diện tích 3.040 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 688 ha, GlobalGAP 500 ha, Organic 46 ha rau quả, cà phê, chè. Toàn tỉnh còn có 210 cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao (89 trại chăn nuôi heo với 1.950 con heo nái, 78.785 con heo thịt; 88 trại gia cầm với 380.720 con; 33 trại bò với 218.828 con)…
Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng thể khu nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2030 vào quy hoạch chung cả nước. Theo đề xuất của tỉnh, quy hoạch tổng thể khu nông-lâm nghiệp công nghệ cao được chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, hình thành và công nhận 3 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao quy mô 300 ha, 1 vùng sản xuất lúa hữu cơ 200 ha và 1 vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ 200 ha. Riêng vùng hồ tiêu hiện đã có doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết. Giai đoạn 2021-2025 sẽ hình hành và công nhận thêm 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 15 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi để đến năm 2025, toàn tỉnh có 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các thủ tục pháp lý để đưa khu này đi vào hoạt động. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục phát triển 20 vùng đã hình thành và phát triển thêm 13 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, giá trị sản lượng nông nghiệp công nghệ cao chiếm từ 25% đến 30% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Điểm nhấn đối với khu nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2030 là sẽ quy hoạch và thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) với tổng diện tích gần 2.000 ha gồm 4 dự án do 4 công ty triển khai thực hiện; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ayun và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) với quy mô 210 ha.
Để hình thành tổng thể khu nông-lâm nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh chú trọng hướng dẫn quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
NGỌC SANG-NGUYỄN TÚ