Nông dân Lâm Đồng trồng nấm "đầu khỉ", thu nửa tỷ đồng mỗi tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Loài nấm có tên hầu thủ vì hình dáng trông như đầu con khỉ chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Thuận (phường 8, TP.Đà Lạt) đã mạnh dạn đầu tư hơn 1000m2 trồng loại nấm này, đem về thu nhập nửa tỷ đồng mỗi tháng.
Thị trường nhiều tiềm năng
Nguyễn Minh Thuận (sinh năm 1986) quê ở Bình Thuận. Ông bén duyên với nấm khi làm luận văn thạc sỹ ngành Sinh học thực nghiệm tại trường Đại học Đà Lạt và chính thức gắn bó với công việc nghiên cứu, sản xuất các loại nấm từ năm 2013 đến nay.
Ông từng phụ trách kỹ thuật tại một doanh nghiệp tư nhân chuyên về nấm và một thời gian làm việc ở Viện Nghiên cứu Sinh học Tây Nguyên. Đến giữa năm 2020, Nguyễn Minh Thuận quyết định nghỉ việc và xây dựng một trang trại nấm cho riêng mình.   
Nói về lý do lựa chọn nấm hầu thủ để khởi nghiệp, ông Thuận chia sẻ, vì xuất thân là dân kỹ thuật nên ông thích tìm tòi, nghiên cứu những giống nấm mới lạ, ít được biết đến. 
Nấm hầu thủ có hình thù độc đáo, hương vị ngon, tốt cho sức khoẻ, đã khá phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam thì rất ít người biết đến và thường chỉ có nấm hầu thủ khô hoặc hàng đông lạnh, gần như chưa có một cơ sở, đơn vị nào ở Việt Nam sản xuất, cung cấp nấm hầu thủ tươi.

Nấm hầu thủ có hình thù lạ mắt chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Nấm hầu thủ có hình thù lạ mắt chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường như vậy, ông Thuận cùng anh em trong nhà hùn vốn, đầu tư xây dựng trang trại rộng 400m2 ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương để trồng loại nấm đặc biệt này. 
“Nấm hầu thủ ưa khí hậu ôn hoà, trong lành, độ ẩm tương đối… Đà Lạt và Lạc Dương có đầy đủ những điều kiện lý tưởng này để cho nấm phát triển” – Ông Thuận cho biết.
Cần "tâm" chứ không phải "sức"
Mặc dù khá tự tin về vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm có được từ những năm tháng nghiên cứu và sản xuất nấm trước đây nhưng ông Thuận vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu vì chi phí cho thuê đất, xây dựng trang trại và sản xuất giống khá cao. 
Để tháo gỡ khó khăn, ông Thuận quyết định lui về quê nhà Bình Thuận – một nơi tuy xa nhưng có giá đất rẻ hơn Đà Lạt rất nhiều để xây nhà xưởng rộng 3000m2 sản xuất nấm giống. Sau đó, ông mới vận chuyển những bịch phôi nấm đạt tiêu chuẩn lên trang trại ở Lạc Dương để nuôi trồng.
Chọn lối sản xuất hữu cơ, ông Thuận hoàn toàn không sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật hay hoá chất nào cho trại nấm của mình. 
Hàng ngày, người nông dân sẽ thường xuyên quét dọn, dỡ bỏ những bịch phôi nấm bị hư, rửa nền sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh, tránh côn trùng và các loại vi khuẩn có hại xâm nhập, gây bệnh cho nấm hầu thủ. 
Sau 15 ngày nuôi dưỡng thì nấm bắt đầu được thu hoạch. Với 1.000m2 trồng nấm hầu thủ, hiện mỗi ngày anh Thuận có thể thu hoạch từ 120-150kg nấm tươi.  
Với giá bán hiện tại trên thị trường dao động từ 190.000 – 300.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu vào, người nông dân thu về lợi nhuận khoảng 50-60%.

Nấm được trồng theo kiểu gối vụ để không làm đứt gãy nguồn cung nấm mỗi ngày.
Nấm được trồng theo kiểu gối vụ để không làm đứt gãy nguồn cung nấm mỗi ngày.
Sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết ngay tới đó. Và để đa dạng nguồn cung, ông Thuận còn chế biến nấm sấy gió, nấm đông lạnh, nấm tẩm gia vị, làm chà bông, làm trà… 
Hiện sản phẩm nấm hầu thủ của nhà ông Thuận đã có mặt tại một số siêu thị, nhà hàng, quán đồ chay… ở Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và vẫn đang được tiếp tục mở rộng.
“Trồng nấm hầu thủ không quá khó cũng chẳng mấy vất cả, tốn sức. Quan trọng nhất là người nông dân phải thực sự chú tâm chăm sóc cho trang trại của mình. Vì chỉ cần một thay đổi ngoại cảnh rất nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nấm.
Vậy nên, không phải anh giỏi đến đâu, diện tích trang trại rộng thế nào, vốn anh bỏ ra nhiều hay ít... mà sự tâm huyết mới chính là yếu tố quyết định anh có thành công với việc trồng nấm hay không.
Đó cũng là tiêu chí để chúng tôi lựa chọn những người nông dân cộng sự cùng tham gia vào hợp tác xã sản xuất nấm hầu thủ của mình.” – ông Thuận chia sẻ.

Nhiều hộ dân ở Lâm Đồng cũng đang tham gia vào mô hình trồng nấm hầu thủ.
Nhiều hộ dân ở Lâm Đồng cũng đang tham gia vào mô hình trồng nấm hầu thủ.
Hiện ngoài trang trại nấm của gia đình, ông Thuận đang liên kết với 3 hộ nông dân khác ở Đà Lạt, Lạc Dương để mở rộng diện tích, cung cấp nấm giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con, tăng nguồn cung nấm hầu thủ cho thị trường đang ngày càng mở rộng.
Mới đây, một đối tác sau khi tới thăm trang trại và kiểm tra chất lượng sản phẩm đã đặt vấn đề bao tiêu 1 tấn nấm hầu thủ tươi mỗi ngày. Vậy nên ông đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác để mở rộng sản xuất. 
Mô hình trồng nấm hầu thủ hữu cơ của ông Thuận đang mở ra một hướng làm kinh tế mới, hiệu quả cho người nông dân ở Lâm Đồng, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương.
Theo Phương Nhiên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.