"Nóng" công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng năm 2018 do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức chiều 24-9, một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu tập trung phân tích, thảo luận là công tác quản lý, bảo vệ rừng. 
Gợi ý thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng; vai trò của người đứng đầu trong việc đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện công tác này. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Một số địa phương, đơn vị xảy ra các vụ phá rừng phải báo cáo tiến độ điều tra, xét xử. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tình trạng phá rừng trên địa bàn.
 Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah-nêu thực trạng phá rừng trên địa bàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah-nêu thực trạng phá rừng trên địa bàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Giải trình tại hội nghị về một số vụ phá rừng xảy ra thời gian qua trên địa bàn huyện, ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xét xử các đối tượng. Theo đó, vụ phá rừng tại tiểu khu 221, 225 và 227 tại xã Ia Kreng thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly, Tòa án nhân dân huyện đã đưa ra xét xử và tuyên phạt 1 bị cáo 24 tháng tù; các đối tượng còn lại bị xử phạt 50-89 triệu đồng/người. Huyện cũng đã xử lý kỷ luật những cán bộ, công chức tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý để lâm tặc phá rừng.
Tại xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, Gia Lai), thời gian gần đây, các đối tượng xấu đã lôi kéo người dân phá rừng tại cánh rừng do cộng đồng làng quản lý. Ngày 19-9, lực lượng chức năng của huyện Mang Yang đã phát hiện và thu giữ hơn 26 m3 gỗ các loại tại đây. Ông Huỳnh Thế Mạnh-Bí thư Huyện ủy Mang Yang-chia sẻ: Lâm tặc rất liều lĩnh, chúng tập trung các đối tượng có nhân thân xấu, lai lịch bất hảo để vào địa bàn mua gỗ của người dân, đồng thời đe dọa lực lượng chức năng. Khi nhận được thông tin, huyện đã triển khai lực lượng truy đuổi và thu giữ 1 xe ô tô. Bí thư Huyện ủy Mang Yang cho rằng, để mua gỗ và vận chuyển ra khỏi địa bàn chắc chắn có sự tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng. Huyện sẽ điều tra để xử lý nghiêm những trường hợp này. Cũng theo ông Mạnh, lâm tặc không chỉ manh động, đe dọa lực lượng chức năng tại hiện trường mà còn nhắn tin đe dọa qua điện thoại. Hiện nay đã có 4 nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng phải làm đơn xin nghỉ việc.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh-cho rằng: Việc quản lý, bảo vệ rừng hiện nay còn lỏng lẻo, các lực lượng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để minh chứng cho điều này, Đại tá Vũ Văn Lâu nêu ví dụ: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa buông lỏng quản lý, để mất hàng chục héc ta rừng nhưng không biết, thậm chí chi trả kinh phí bảo vệ rừng trên diện tích đất không có rừng. Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh, hiện nay, Công an tỉnh đang điều tra một số vụ liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng; trong đó, vụ việc tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã khởi tố 5 bị can, xem xét trách nhiệm 8 người khác. Công an tỉnh cũng đang tiếp tục điều tra các Ban Quản lý Rừng phòng hộ: Bắc An Khê, Ya Hội và Ia Grai. 
Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm đó là chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ rừng. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Một số địa phương, cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ, thậm chí nhiều nơi chủ rừng buông lỏng quản lý để diện tích rừng bị mất. Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh lập kế hoạch thanh tra các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, ngoài việc cấp ủy địa phương xử lý về mặt Đảng thì Sở Nông nghiệp và PTNT phải kiên quyết xử lý về mặt nhà nước đối với người đứng đầu các đơn vị để mất rừng. Bên cạnh đó, các địa phương có diện tích trồng thuốc lá lớn cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, không để nhân dân lấy củi từ rừng tự nhiên về đốt lò sấy; nếu cần thiết thì xem xét chuyển đổi diện tích trồng thuốc lá sang trồng các loại cây khác để tránh tình trạng người dân phá rừng lấy củi.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Công tác quản lý, bảo vệ rừng cần được triển khai quyết liệt, tập trung các giải pháp để hạn chế tình trạng phá rừng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tích cực điều tra, xử lý các vụ việc đã có kết luận. Cùng với đó, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại rừng, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm, tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.