(GLO)- Ẩn sau những làn sương mờ ảo giữa điệp trùng đồi núi, làng Krông Hra (xã Kông Yang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) hiện ra đẹp nên thơ như trong chuyện cổ tích. Bên dòng suối Hra hiền hòa, cây đa cổ thụ là nơi lưu giữ linh hồn của làng quanh năm vươn cao xòe bóng mát như dang rộng vòng tay che chở cho làng. Krông Hra còn được nhiều người biết đến với nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng của người Bahnar.
“Thần hộ mệnh” của làng
Dẫu đã hẹn trước, nhưng phải chờ khá lâu chúng tôi mới gặp được Trưởng thôn Đinh Pông. Vẫn với dáng vẻ tất bật của một Trưởng thôn “năng” việc, ông dẫn chúng tôi đi thăm quanh làng, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về làng, nào là trồng bắp, trồng mì, rồi chuyện được dự án đầu tư nuôi bò thoát nghèo... Câu chuyện của chúng tôi cứ miên man mãi tới khi dừng chân tại gốc cây đa của làng thì giọng Trưởng thôn bỗng trầm xuống: “Cây đa này thiêng lắm! Chẳng biết bao nhiêu tuổi nhưng từ đời ông, đời cha mình đã có, dễ chừng phải trên 100 tuổi. Cây là thần hộ mệnh che chở, bảo vệ cho làng. Từ xưa đến nay, không ai trong làng dám phạm vào cây và ngay cả đạn bom chiến tranh cũng chẳng làm gì nổi”.
Cây đa làng Krông Hra. Ảnh: Đinh Yến |
Ngồi bên gốc cây đa cổ thụ to bằng chục người ôm, dòng ký ức trong Đinh Pông cứ tuôn trào. Với giọng nói đầy xúc động, ông kể: “Nhớ ngày đó, cây đa bị trúng bom đạn bốc cháy, cả làng đã bất chấp nguy hiểm hò nhau lấy nước dập lửa cho cây. Khi đó múc được từng bầu nước ở suối lên đâu phải dễ, vừa xa vừa khó vậy mà, cả làng đã làm nên kỳ tích, cứu sống cây đa. Nếu hôm ấy chẳng có cây “đỡ đạn” thì nhiều ngôi nhà đã bốc cháy và làng mình đâu còn đẹp như hôm nay”. Thật vậy, ẩn sau những tán lá sum suê, trên thân cây vẫn còn lưu lại nhiều “vết sẹo” của chiến tranh, như minh chứng cho một sức sống mãnh liệt không gì có thể quật ngã. “Vào các ngày lễ lớn trong năm, dân làng tập trung dưới gốc cây để cúng Yàng cùng nhau hát múa. Nhất là vào dịp lễ Sơmah Kơ Cham (lễ đón năm mới), thường tổ chức cùng với thời gian Tết Nguyên đán của người Kinh (vào ngày 20 tháng Chạp), dân làng cúng heo, gà, uống rượu, đánh chiêng hát múa đến tận đêm khuya với mong muốn một năm mới no đủ, bình yên”-Trưởng thôn Đinh Pông kể thêm.
Độc đáo rượu ghè Kông Hra
Đã không ít lần thưởng thức cang rượu ghè ở nhiều ngôi làng khác nhau, song cái vị ngọt thanh, thơm nồng của rượu ghè Kông Hra luôn đọng lại trong chúng tôi cảm giác lâng lâng khó tả. Rượu được làm bằng chính những nguyên liệu tinh túy nhất, được lấy từ rừng như: vỏ cây hiam, rễ cây ớt, cây gừng rừng,… Và để có được loại men này, làng không những phải lặn lội vào tận rừng sâu mới có mà còn phải làm rất công phu.
Theo bà Đinh Thị Chút-người có kinh nghiệm làm rượu lâu năm ở làng, thì rượu ghè ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu chuẩn bị men và nguyên liệu. Những nguyên liệu làm men được lấy từ rừng về làm sạch, sau đó bỏ vào cối giã chung với nhau thật nhuyễn, vắt khô nước, nặn thành từng miếng nhỏ phơi khô là có thể dùng quanh năm. Khi dùng chỉ cần bóp cho tơi để trộn với nguyên liệu. Tuy nhiên, tùy vào tỷ lệ pha trộn mà men rượu tạo nên những hương vị khác nhau. Đây cũng chính là “bí quyết” chỉ có người trong làng được truyền lại.
Ngoài men rượu, nguyên liệu làm nên nét độc đáo của rượu ghè Krông Hra là những hạt bắp nếp, hạt cao, bo bo. Tất cả những nguyên liệu này đều do bà con tự trồng. Vào tháng 8, 9, khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa là bà con tra hạt trồng bắp nếp, đồng thời trồng xen cùng hạt cao, bo bo. Sau hơn 2 tháng, bà con hái về phơi khô, làm sạch. Riêng hạt bắp, sau khi phơi khô, bà con đem bung lên, cùng với hạt cao, bo bo... trộn với men bà con tự làm là sẽ tạo nên những ghè rượu thơm ngon. Là một người làm rượu lâu năm, ông Đinh Y Ram cho biết: “Men rượu ghè truyền thống tự tay bà con làm thường đắng hơn men mua ngoài chợ nhưng khi trộn với nguyên liệu làm rượu thì rượu ghè có vị thơm ngọt riêng của núi rừng. Đặc biệt, các ghè rượu này có thể để lâu đến 5-6 tháng, thậm chí một năm mà rượu chỉ thêm nồng chứ không bị chua”.
Chính sự kỹ lưỡng trong từng công đoạn mà rượu ghè làng Kông Hra đã tạo nên đặc sản riêng của mình. Giờ đây, rượu ghè làng Kông Hra không đơn thuần làm để thưởng thức nữa trở thành món quà cho những khách gần xa. “Chính sự giao thoa văn hóa giữa người Bahnar và người Kinh trong những năm gần đây mà rượu ghè làng Kông Hra đã được nhiều người biết đến. Có người đặt bà con trong làng làm hàng chục ghè rượu để dùng hoặc tặng cho người thân. Riêng gia đình nhà mình cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là người quen ở phố huyện hay TP. Pleiku lại tìm về làng để đặt làm rượu. Mỗi ghè rượu mình bán 300.000 đồng thôi nhưng mà rất vui vì đặc sản của làng đã được nhiều người thích, biết đến”-Đinh Pông tự hào.
Đinh Yến-Lê Lan