Nợ nần chồng chất,dính án đất vàng,QCG vẫn góp vốn cho Cường "Đôla"khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của bà Nguyễn Thị Như Loan đang phải đối mặt với nợ nần và tình trạng ách tắc với nhiều dự án ở TP.HCM, nhưng doanh nghiệp này vẫn góp vốn vào Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường, nơi ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc.
Cường Đôla khởi nghiệp ở phương trời mới
Gần đây, ông Nguyễn Quốc Cường (thường gọi là Cường đôla), con trai bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng với những thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh riêng.
 
Ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla -PV)
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo tại CTCP Quốc Cường Gia Lai sau khi ông Tất Thành Cang (nguyên phó bí thư Thường trực thành ủy TP.HCM) vào vòng xoáy và bị kỷ luật.
Hồi giữa tháng 11/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận sai phạm của ông Tất Thành Cang trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án. Theo đó, ông Cang đã đồng ý chủ trương cho Công ty Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành uỷ) chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG).
Sau khi chính thức rời khỏi cương vị Thành viên HĐQT của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vào hồi tháng 11/2018, bên cạnh hỗ trợ việc kinh doanh nhà hàng của bạn gái Đàm Thu Trang, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) được cho là đã bắt đầu sự nghiệp riêng tại Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường, một công ty có hoạt động chính là kinh doanh bất động sản.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, tại thời điểm doanh nghiệp thành lập vào ngày 25/9/2018, bà Nguyễn Thị Như Loan là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường.
Vốn điều lệ của Chánh Nghĩa Quốc Cường ban đầu là 1.169 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông sáng lập ban đầu của Chánh Nghĩa Quốc Cường, phần vốn góp của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là 873 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 74,68% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2019, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Chánh Nghĩa Quốc Cường xuống còn 30,84%, tương ứng giá trị góp vốn là 132 tỷ đồng. Lúc này, vốn điều lệ của Chánh Nghĩa Quốc Cường cũng giảm mạnh chỉ còn 428 tỷ đồng. Hai cá nhân góp vốn còn lại là Lý Kim Hoa và Vương Kim Soa vẫn giữ nguyên giá trị góp vốn là 148 tỷ đồng/người.
Tiếp đó, tháng 2/2019, Chánh Nghĩa Quốc Cường thay đổi thông tin với nội dung chính là chuyển người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Như Loan sang ông Nguyễn Quốc Cường. Lúc này, ông Cường đôla đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc.
Đầu tháng 3/2019, Chánh Nghĩa Quốc Cường công bố việc tăng vốn điều lệ từ 428 tỷ đồng lên 708 tỷ đồng, trong đó 576 tỷ đồng góp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cơ cấu cổ đông mới không được tiết lộ. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai không hề có Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường trong danh sách công ty con.
Bà Nguyễn Thị Như Loan gặp thử thách 25 năm
Câu chuyện Quốc Cường Gia Lai góp vốn vào Chánh Nghĩa Quốc Cường thu hút sự chú ý của nhà đầu tư bởi thời điểm QCG góp vốn vào doanh nghiệp này, cũng là giai đoạn bà Nguyễn Thị Như Loan đối mặt với khó khăn lớn nhất trong suốt 25 năm làm doanh nghiệp.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Quốc Cường Gia Lai, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan từng thổ lộ: "Trong 25 năm làm doanh nghiệp, chưa năm nào khó như năm 2018”.
 
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai
Theo đó, kết thúc năm 2018, doanh thu Quốc Cường Gia Lai giảm hơn 2 lần về mức 351 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm từ 520 tỷ xuống 42 tỷ đồng. Đi cùng áp lực nợ vay khiến lợi nhuận sau thuế Công ty giảm hơn 9,5 lần từ mức 430 tỷ về chỉ còn 45 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị tồn đọng với tổng quỹ đất ước tính khoảng 150 ha, liên quan chủ yếu đến các dự án Phước Kiển, Lavida, De Capella... Ghi nhận tại BCTC hợp nhất năm 2018, hàng tồn kho Công ty vào mức 7.520 tỷ, trong đó bất động sản dở dang hơn 7.063 tỷ đồng, phần lớn là các khoản chi phí tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án. Nợ phải trả Công ty gần 6.838 tỷ đồng, chiếm trên 62% tổng nguồn vốn.
Bà Loan nói với cổ đông: “Thị trường hiện nay muôn vàn khó khăn, hầu như trong 25 năm làm doanh nghiệp chưa có năm nào khó khăn như năm 2018, tôi nhớ bắt đầu từ tháng 4/2018 là khó khăn, đến nay chưa có gì khởi sắc hay tháo gỡ. Chúng tôi cũng rất đau đầu, cứ ở lẩn quẩn trong vòng pháp lý. Nếu vấn đề pháp lý không được gỡ thì giá sản phẩm thành cao, sức mua không tốt và như vậy sẽ không có doanh thu".
Theo ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, những khó khăn về tiến độ pháp lý dự án đã ảnh hưởng và gây rất áp lực về dòng tiền Công ty. Kết quả, áp lực dòng tiền là lý do khiến Công ty không chia cổ tức 2018, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan hy vọng các cổ đông có thể chia sẻ với Công ty.
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.