Những quả "bom giấy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi gặp Đại tá Phạm Chào-nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3 tại tư gia của ông nằm sâu trong phố Ban Bội Châu (TP. Pleiku). Mặc dù tôi đến sớm hơn lịch hẹn 30 phút nhưng ông đã áo quần chỉnh tề ngồi đợi. Với tác phong của một người lính hơn 40 năm quân ngũ, 15 năm ở chiến trường, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ khác nhau với bốn lần bị thương, ông đã không để cho tôi bối rối khi lần đầu tiếp xúc. Sau cái bắt tay ấm nồng ông nói:

- Cậu muốn gì ở ông già này thì nói đi nào?
- Dạ! Cháu đã đọc và đã nghe kể nhiều về chiến thắng của quân ta ở Buôn Ma Thuột  nhưng cháu vẫn thấy chưa đủ. Vì có lẽ mỗi người lính trên chiến hào có sự trải nghiệm, cảm xúc riêng của họ. Chính bố cháu-người lính trực tiếp cầm súng đánh vào Buôn Ma Thuột cũng đã nói với cháu rằng: “Mỗi người lính bước qua cuộc chiến là một kho sử vàng”.

 

Đại tá Phạm Chào (bên phải) đang trao đổi với tác giả.
Đại tá Phạm Chào (bên phải) đang trao đổi với tác giả.

Dường như tôi đã điểm trúng ký ức của ông, sau một phút tư lự ông nói:

- Cậu nói đúng! Mặc dù thế hệ chúng tôi cầm súng ra trận không có khát vọng gì khác là mong ngày toàn thắng, Nam Bắc sum họp, nhưng trong mỗi trận đánh, mỗi người lính lại có những cảm xúc riêng. Cậu muốn biết cảm xúc của tôi về chiến thắng Buôn Ma Thuột tôi có thể nói ngay. Đó là những quả “bom giấy”.   

Thấy tôi băn khoăn, không hiểu. Ông chậm rãi kể:

Khi đó là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Sư đoàn 10 được chỉ định làm Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Mặt trận Tây Nguyên. Trung đoàn chúng tôi cùng với Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công căn cứ Trung đoàn 53 ngụy. Đập tan âm mưu co cụm, tử thủ các căn cứ còn lại sau thất thủ Buôn Ma Thuột chờ quân tăng viện tới, làm bàn đạp phản kích tái chiếm những khu vực đã mất. Căn cứ này nằm về Đông Nam Sân bay Hòa Bình, cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 10 km, được thiết bị phòng ngự rất vững chắc. Quanh căn cứ có 5 đến 7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất hướng mũi súng ra ngoài. Hai hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng bằng bê tông xây chìm xuống đất. Trong căn cứ lúc này có Trung đoàn 53 (thiếu), 1 chi đội M113, do viên Trung tá Võ Ân-Trung đoàn trưởng chỉ huy. Điều đáng nói là quân địch rất ngoan cố, chống trả quyết liệt, vì đây là hy vọng cuối cùng để chúng tái chiếm Buôn Ma Thuột, cứu Tây Nguyên.

Lúc 17 giờ 35 phút, ngày 16-3-1975, trên hai hướng của Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 là Tiểu đoàn 7 (hướng chủ yếu) và Tiểu đoàn 9 (hướng thứ yếu) thực hành mở cửa đánh chiếm đầu cầu, nhưng địch dùng đại liên, súng máy 12,7 ly ngăn cản làm cho Tiểu đoàn 7 bị thương vong nhiều và không phát triển chiến đấu được. Trên hướng Tiểu đoàn tôi triển khai đội hình thuận lợi hơn nhưng cũng phải mất cả đêm mới mở cửa đánh chiếm đầu cầu thành công. Đến khoảng 7 giờ, ngày 17-3, một tốp máy bay A37 của địch vào ném bom. Nghe một tiếng rít khô khốc, tôi chỉ kịp hô anh em nằm xuống và ngước nhìn từng chùm bom tròn như những chiếc lu treo lơ lửng trên đầu. Tôi thoáng nghĩ trận bom này sẽ trúng đội hình của Tiểu đoàn và thương vong khó mà lường trước được. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra, chúng tôi chỉ nghe những tiếng nổ lốp đốp trên đầu và giấy bay tung tóe khắp khu vực cửa mở. Thì ra đó là những quả “bom giấy”, mà mãi sau này tôi mới biết, nó là bom do những người công nhân Mỹ yêu chuộng hòa bình sản xuất. Vì không muốn nhà cầm quyền Mỹ mang những quả bom do họ sản xuất đi gieo rắc cái chết cho nhân loại và người dân Việt Nam.    

“Bom giấy” đã giảm bớt sự thương vong của chúng tôi và giúp chúng tôi mở cửa đánh chiếm đầu cầu thành công. Đây cũng là căn cứ quan trọng để chỉ huy Trung đoàn 66 có một quyết định táo bạo, sáng suốt là chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Tiểu đoàn 7 sang Tiểu đoàn 9 nhằm tăng thêm sức mạnh đột phá, thực hiện bằng được chủ trương của Bộ Tư lệnh chiến dịch là nhanh chóng đánh chiếm căn cứ 53. Như được tiếp thêm sức mạnh, sáng 17-3, chúng tôi đánh thẳng vào sở chỉ huy Trung đoàn 53, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu khu nhà xe, nhà kho, câu lạc bộ sĩ quan, hầm chỉ huy trung đoàn. Đến 8 giờ thì đã đánh chiếm toàn bộ sở chỉ huy Trung đoàn 53, căn cứ mạnh nhất còn lại của địch ở Buôn Ma Thuột, làm cho địch tan rã, hoang mang cực độ, tạo đà phát triển tiến công nhanh chóng của quân ta xuống các tỉnh ven biển miền Trung, truy quét địch trên đường số 7.

Sau trận đánh căn cứ 53, tôi còn chiến đấu nhiều trận ở khắp các chiến trường, nhưng dù ở đâu tôi cũng luôn ghi nhớ: Cuộc chiến của chúng ta giành thắng lợi không chỉ có sự mưu trí, dũng cảm, sự hy sinh to lớn của nhân dân và những người lính trên chiến trường. Mà chiến thắng đó còn có sự giúp sức rất quý báu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nó khẳng định chân lý và sự chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguyễn Anh Sơn

Có thể bạn quan tâm